Chuyện Thánh Gióng đặt tên cho làng

Một ngày giáp Tết, đến thăm nhà anh bạn: Chu Kì Văn ở thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn - Hà Nội, tình cờ tôi gặp ông cụ râu tóc bạc phơ đang vui vầy cùng đàn cháu nhỏ.
271653124-3144866665841313-1842837874183525898-n-1642386777.jpg
Lễ hội đền Thanh Nhàn

Đó là cụ Chu Văn Ký, 87 tuổi (bố đẻ anh Văn). Cụ Ký là người hiểu sâu biết rộng, thông thạo chữ Nho, có nhiều năm trông coi đền Thanh Nhàn. Đang mải mê trò chuyện với cụ thì một cháu bé tuổi mẫu giáo (chắt ngoại của cụ Ký) bỗng nhiên cắt ngang lời tôi bằng một câu hỏi thật ngây ngô và ngộ nghĩnh:

- Cụ ơi! Tại sao làng ta lại gọi là Thanh Nhàn, ai đã đặt tên cho làng ta thế hả cụ?

Cụ Ký cười âu yếm nhìn đứa chắt ngoại rồi chậm rãi kể rằng: Xưa kia, vào thời vua Hùng thứ sáu, làng này có tên gọi Thanh Khốn chứ không phải như bây giờ. “Thanh” nghĩa là con người nơi đây vốn thanh lịch, trong sáng. Còn ‘Khốn” là do cuộc sống dân tình quá khốn khổ vì nạn giặc Ân cướp phá, nên người dân trong làng chỉ biết lên gò đất cao cạnh đó để cầu trời, khấn Phật. Hôm đó, dân làng cử 10 lão nông tri điền lên gò đất cao thắp hương và đọc lời cầu nguyện:

“Vận chí trôi qua đưa bĩ cực/Phồn thời đem lại đón thái lai”...

Đại ý nôm na, mong sao cho nỗi khổ sớm qua đi, để cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc sớm về với người dân Thanh Khốn.

Sau khi dẹp xong đám giặc Ân cuối cùng ở Vũ Linh (nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Thánh Gióng cưỡi ngựa đi dạo về hướng tây bắc. Trước cảnh đẹp “sơn thủy, hữu tình” của một làng quê liền kề với gò đất cao, trông giống như con voi bạch đang nằm phủ phục bên dòng sông Cà Lồ, Thánh Gióng dừng ngựa, nghỉ chân thưởng ngoạn. Thấy các lão nông tri điền đang thành tâm khấn vái - Ngài cất tiếng hỏi:

- Làng này tên gọi làng gì ? - Mọi người đồng thanh đáp: - Dạ thưa! Đã bao đời nay, người dân nơi đây vẫn quen gọi là làng Thanh Khốn ạ!

Thấy vậy, Thánh Gióng cười và bảo: - Giặc Ân ta đã dẹp xong, đất nước thanh bình, không còn cảnh khốn khổ như trước nữa. Từ nay, ta sẽ đặt lại tên cho làng này, gọi là Thanh Nhàn.

Nói rồi, Thánh Gióng đã hóa 10 lão nông tri điền thành những đệ tử của mình, rồi cùng Ngài trở về núi Sóc, để lại dấu tích, hai hòn đá to (hai dấu chân ngựa của Thánh Gióng) trên gò đất cao. Từ đó, làng Thanh Khốn có tên mới gọi là làng Thanh Nhàn, nay thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn - TP Hà Nội.

Để tưởng nhớ tới người anh hùng có công dẹp giặc Ân, và khai sinh cho làng, nhân dân Thanh Nhàn đã lập đền thờ Thánh Gióng ngay tại khu gò đất cao. Và cứ vào ngày mùng sáu tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhân dân từ khắp bốn Tổng: Cổ Bái, Kim Anh, Gia Thượng và Thanh Lâm lại hội tụ về đây để tổ chức lễ hội đền Thanh Nhàn với những nghi thức trang trọng nhất.

Trải qua hàng nghìn năm với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, kể cả những khi nước mất, nhà tan, nhưng làng Thanh Nhàn vẫn tồn tại và phát triển. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đền thanh Nhàn vừa là nơi hoạt động của các đồng chí cán bộ cách mạng và cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân nơi đây. Năm 1990 đền Thanh Nhàn được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Bà con tin tưởng rằng, nhờ có Thánh Gióng chở che phù hộ độ trì mà cuộc sống của người dân Thanh Khốn xưa - Thanh Nhàn nay, mỗi ngay một tấn tới, đắc tài, đắc lộc, ấm no rồi lại càng ấm no thêm...

Suy nghĩ đó của người dân Thanh nhàn tuy mộc mạc, chất phác, nhưng chứa đựng chất nhân văn sâu sắc. Bởi lẽ, từ bao đời nay, người dân nơi đây luôn coi trọng việc giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước. Để rồi, từ giá trị tinh thần, biến thành giá trị vật chất, để gương mặt nông thôn mới của Thanh Nhàn ngày càng khởi sắc./.