Chuyên gia: Dự thảo Thông tư cơ cấu nợ cần mở rộng thời hạn và đối tượng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Dự thảo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện kèm theo.

Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ ba, được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Thứ tư, khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thứ sáu, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thứ bảy, việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư này được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

tien-1682067895.jpg

Ảnh minh họa.

Như vậy, việc cơ cấu thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, chỉ áp dụng với nhóm khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mà không đề cập tới nhóm khách hàng cá nhân. Đây là nhóm khách hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi sản xuất kinh doanh gặp khó khiến thu nhập sụt giảm, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, thời hạn cơ cấu nợ trong vòng 12 tháng. Theo các chuyên gia, đây là khoảng thời gian ngắn. Do vậy, đối tượng thụ hưởng chủ yếu từ chính sách này sẽ là các khoản vay ngắn hạn, còn các khoản vay trung và dài hạn rất khó để tiếp cận chính sách.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, rất cần mở rộng thời hạn và đối tượng được cơ cấu nợ để hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn do sự guy giảm từ kinh tế toàn cầu. Được biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ghi nhận các góp ý bằng văn bản từ các tổ chức tín dụng.

Quy định trên nếu được thực hiện, không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để không bị chuyển nhóm nợ, hay rơi vào danh sách có các khoản nợ xấu, từ đó có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính nhận định: "Dự thảo giúp các ngân hàng có cơ sở về mặt pháp lý để có thể giãn, hoãn, khoanh các nhóm nợ cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng"./.

Thi Nguyên (t/h)