Năm 2024, Bắc Kạn đặt mục tiêu 2 huyện, 24 xã đạt danh hiệu nông thôn mới, 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao và có thêm 152 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên đến hết năm 2024, dự kiến chỉ có 1 xã và 2 thôn diện đặc biệt khó khăn đạt chuẩn, đây là kết quả rất thấp so với kế hoạch.
Trong nhiều nguyên nhân được tỉnh Bắc Kạn chỉ ra như việc thiếu nguồn kinh phí đầu tư, việc sáp nhập thôn xã khiến tiêu chí bị hụt, một số địa phường tỉ lệ nhà dột nát còn cao hay thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp…. thì những tiêu chí cơ bản nhất là thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn chưa đáp ứng.
Trong đó, hầu hết các xã đặt mục tiêu về đích NTM đều có tỉ lệ nghèo đa chiều từ 30%-60% (trong khi tiêu chí với xã NTM tỉ lệ này phải dưới 13% và NTM Nâng cao là dưới 8%). Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kạn cũng mới chỉ đạt từ 20-35 triệu đồng, trong khi yêu cầu chuẩn mới là 45 triệu đồng với xã NTM và 55 triệu đồng với xã NTM nâng cao).
Ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết: “24 xã phấn đấu về đích NTM thì có tới 22 xã vùng III, đặc biệt khó khăn. Thêm vào đó là khó khăn về các tiêu chí thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo đây là thiêu chí khó thực hiện. Ngoài ra, các mô hình, dự án phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân từ các chương trình MTQG triển khai còn chậm, gặp nhiều vướng mắc, giải ngân chậm, đến tháng 12 mới đạt 21%, nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Quan điểm của tỉnh đó là không phải vì thành tích, đã về đích NTM là môi trường tốt hơn, an ninh trật tự tốt hơn, đời sống, thu nhập phải nâng lên”…
Đáng ghi nhận, đó là trong tất cả các xã phấn đấu về đích, các tiêu chí đạt được đều có sự đồng thuận của người dân, không còn tình trạng “non” tiêu chí khi xét duyệt. Hơn hết, đó là sự thay đổi trong nhận thức của cả người dân và chính quyền cơ sở. Nếu như trước đây, các địa phương chỉ tập trung cho tiêu chí hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch… thời gian qua, việc nâng cao thu nhập thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế từ nông lâm nghiệp được chú trọng hơn.
Thông qua các chương trình MTQG, người dân được tập huấn kỹ năng sản xuất, đầu tư cho sản phẩm OCOP hay tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tạo sinh kế bền vững. Đây cũng là yếu tố quan trọng để GRDP của tỉnh Bắc Kạn năm 2024 tăng 7,4%, tỉ hệ hộ nghèo trung bình giảm 2%.
Nhằm nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn. UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với mục tiêu 65% chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn, duy trì, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn, đảm bảo ít nhất 70% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xây dựng, nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Tổ chức triển khai tập huấn tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn; tuyên truyền cho cộng đồng dân cư cùng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và ngày 05/6 hằng năm gắn liền với chủ đề theo từng năm.
Bên cạnh đó, phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hoá được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư; các xã đã triển khai đến các hộ thực hiện cải tạo, chỉnh trang hàng rào; công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cỏ dại có nhiều chuyển biến tích cực góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Thực hiện kế hoạch trồng 01 tỷ cây xanh đến nay đã đạt được kết quả tích cực, trong giai đoạn từ năm 2022-2024 trên địa bàn tỉnh đã trồng được 7.292.630 cây xanh.
Đến nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Hiện nay UBND thành phố Bắc Kạn đang tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025” tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng mô hình thí điểm về cải tạo cảnh quan môi trường tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.
Đồng thời, đến nay toàn tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Chỉ đạo 108/108 cơ sở Hội đăng ký ít nhất 1 hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới, các cơ sở hội đều thực hiện hoàn thành; các cơ sở hội hằng năm đăng ký hỗ trợ hộ gia đình đạt tiêu chí 5 không 3 sạch, kết quả thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu. Điển hình như huyện Bạch Thông đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản khu dân cư. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 170 mô hình tự quản ở khu dân cư, trong đó Mặt trận tổ quốc các cấp chủ trì 69 mô hình, phối hợp thực hiện 101 mô hình. Các mô hình hoạt động cơ bản có hiệu quả, nhằm góp phần cho cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong 19 tiêu chí, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo sẽ là ưu tiên lớn nhất của địa phương trong xây dựng NTM.
“Trong thời gian tới khi thực hiện, huyện Bạch Thông sẽ chú trọng thực hiện 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Ngay khi xây dựng kế hoạch, sẽ phải đánh giá đúng nguyên nhân việc nghèo hoặc thu nhập thấp của từng hộ, từng thôn, xã để có giải pháp phù hợp. Ví dụ, thu nhập thấp do thiếu nguồn lực sẽ sử dụng nhóm chế tài hoặc các chính sách về nguồn lực, còn thu nhập thấp do thiếu về phương thức sản xuất sẽ tập trung vào chính sách về kinh tế tập thể, phát triển kinh tế cho nhóm hộ, thiếu tư liệu sản xuất cũng sẽ có chính sách cho hỗ trợ sản xuất” - ông Hà Kim Oanh nói.
Năm 2025, Bắc Kạn phấn đấu sẽ có thêm 14 xã đạt NTM. Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định, tỉnh yêu cầu các địa phương lấy xây dựng NTM là mục tiêu phấn đấu, không chạy theo thành tích nhưng kiên quyết không để xảy ra tình trạng vì sợ cắt hỗ trợ từ Nhà nước mà “ngại” về đích nông thôn mới.
Theo ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định, tỉnh yêu cầu các địa phương lấy xây dựng NTM là mục tiêu phấn đấu, không chạy theo thành tích nhưng kiên quyết không để xảy ra tình trạng vì sợ cắt hỗ trợ từ Nhà nước mà “ngại” về đích nông thôn mới.
“Trước tiên phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phối hợp Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Làm sao tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tham gia, ủng hộ và thực hiện. Bắc Kạn tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả thống chính trị, của toàn xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu xây dựng nông thôn mới và khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội”, ông Nông Quang Nhất khẳng định./.