Mục tiêu của chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường, kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị,... là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện.
Chương trình OCOP là một giải pháp thực hiện một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 17/10/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đồng thời cũng là một nội dung của Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 15/01/2016 của Tỉnh ủy. Các Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội hàng năm đều chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP.
Từ đầu năm 2018 đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về mục tiêu, nội dung của chương trình OCOP, khảo sát, điều tra đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn, hướng dẫn đăng ký sản phẩm, lựa chọn ý tưởng sản phẩm. Sau một thời gian thực hiện, chương trình OCOP đã từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế của các địa phương.
Qua báo cáo của rà soát, toàn tỉnh hiện có 124 sản phẩm lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm theo Chương trình OCOP. Nhóm thực phẩm có 48 sản phẩm, nhóm đồ uống có 13 sản phẩm, nhóm thảo dược có 7 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 3 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 53 sản phẩm. Các nhóm sản phẩm trên do 114 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất.
Năm 2018, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh đã tổ chức đánh giá có 32 sản phẩm đạt 3 sao, gồm các sản phẩm như rượu chuối men lá Tân Dân, gà thả đồi, miến dong Tân An, viên tinh nghệ mật ong, gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, gạo bao thai Chợ Đồn, trà mướp đắng rừng,… và 5 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, gồm Trịnh Năng Curcumin, Trịnh Năng Gừng, tinh nghệ Bắc Kạn, miến dong Tài Hoan. Tất cả các sản phẩm đều đã có nhãn mác, bao bì, một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được chiết xuất, đóng gói bằng công nghệ bán tự động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn vẫn còn những hạn chế như khó khăn về nguồn vốn, tiếp cận quy trình đưa hàng hoá vào siêu thị, thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, nhiều sản phẩm chất lượng thấp do chưa được đầu tư chế biến, bảo quản. Vấn đề kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế, sản phẩm ra thị trường còn ít do sản lượng chưa đảm bảo, trình độ quản lý, quản trị của các tổ chức kinh tế còn nhiều khó khăn, vấn đề phát triển các HTX chưa chặt chẽ,… Tuy nhên, có thể khẳng định, Chương trình OCOP được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những kết quả đáng phấn khởi, chương trình được đánh giá là hướng đi đúng.
Để thực hiện thành công Chương trình OCOP, thời gian tới các địa phương và ngành chức năng tiếp tục lựa chọn những sản phẩm có ưu thế để đầu tư phát triển, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường.
Ban chỉ đạo chương trình mỗi xã một sản phẩm tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị lớn, đồng thời tăng cường quảng bá để các thị trường trong và ngoài tỉnh biết, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tính đến năm 2023 Bác Kạn đã vươn lên xếp thứ hai toàn quốc về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, có sản phẩm đã xuất khẩu thành công.