Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua “Chuyển đổi kép”

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới tập trung vào 3 trụ cột chính bao gồm: Tăng cường năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
1-1719568569.jpg
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua Chuyển đổi kép”.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là chiến lược đột phá trong quy trình sản xuất - kinh doanh. Bằng cách áp dụng các giá trị bền vững và tận dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể xây dựng một nền tảng vững mạnh và đạt được lợi thế cạnh tranh.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc định hướng chiến lược sản xuất và xuất khẩu, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh vượt qua khó khăn trong bối cảnh nhiều biến động của nền kinh tế thế giới, ngày 28/6/2024 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua Chuyển đổi kép”.

Báo cáo của PwC chỉ ra rằng AI có thể giảm 4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 nhờ tối ưu hóa sản xuất, vận tải và năng lượng. Hơn nữa, báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC cũng cho thấy rằng 45% CEO toàn cầu không tự tin về khả năng sống sót của doanh nghiệp trong thập kỷ tới nếu vẫn duy trì con đường phát triển hiện tại. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy và định hướng để đảm bảo sự sống sót và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ biến động.

2-1719568620.jpg
Ông Diệp Bảo Cánh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua Chuyển đổi kép”.

Việc áp dụng chuyển đổi không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng đến môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Song song đó, đối với nền kinh tế vĩ mô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tác động tích cực đến ngành quy hoạch, giúp xây dựng hệ thống đồng bộ, hiện đại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết vấn đề việc làm, thúc đẩy phát triển đô thị, liên kết ngành và liên kết vùng, đồng thời mở rộng quan hệ ngoại giao là những lợi ích to lớn mà chuyển đổi mang lại.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC cho biết: “Trong thời gian vừa qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững. Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội”.

3-1719568708.jpg
Đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tham gia Hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua Chuyển đổi kép”.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Việt Nam; đóng góp khoảng 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước. Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thành phố đang đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vươn lên trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đầu tàu về kinh tế số và xã hội số, đồng thời là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực không ngừng để tạo ra môi trường kinh doanh và hạ tầng số hóa phù hợp nhằm thúc đẩy và đổi mới sáng tạo, thông qua triển khai các hoạt động, chính sách và chiến lược đổi mới nhằm nâng cao nhận thức, đào tạo tư vấn các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Ông Diệp Bảo Cánh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) chia sẻ: “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh. Nhờ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trên thế giới hình thành rất nhiều ngành mới, sản phẩm mới mà Việt Nam có lợi thế để tham gia. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến”.

Thông qua Hội thảo, ITPC hy vọng các doanh nghiệp tại Thành phố có thể tận dụng một cách hiệu quả các lợi thế mà chuyển đổi kép mang lại. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp làm rõ định hướng chiến lược sản xuất và xuất khẩu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua những khó khăn trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới ngày nay.

Trong thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan, tổ chức các chương trình hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố phát triển sản xuất nhanh chóng và hiệu quả./.

Đạm Quang Lê