Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Hội thảo "Thực trạng CĐS trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa" đã được diễn ra vào ngày 28/8/2024 tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Trong khuôn khổ hợp tác nhằm thực hiện đề tài “Nghiên cứu chuyển đổi số trong sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” được ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hoá và Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, ngày 28/8/2024 Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: "Thực trạng chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa".

968af1d67cbcdbe282ad-1724917480.jpg
Hội thảo khoa học với chủ đề: "Thực trạng chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa".

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi học thuật cũng như thực tiễn giữa các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhằm đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Từ đó tìm ra các hạn chế, các bất cập và nguyên nhân của những hạn chế và bất cập này để có các giải pháp phù hợp.

Hội thảo đã thu được nhiều các ý kiến khác nhau về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chuyển đổi số của doanh nghiệp nông nghiệp Thanh Hoá nói riêng. Số hóa và chuyển đổi số hoạt động của các doanh nghiệp đã và đang trở thành một xu hướng quan trọng trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu hiện nay (Kortaba, 2017). Động lực thúc đẩy quá trình này cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ giúp cho các tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh để tiếp tục tồn tại và phát triển trong nền kinh tế biến động ngày càng nhanh chóng. Theo Ông Nguyễn Cảnh Cường - Nguyên Tham tán công sức Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là áp dụng những công nghệ hiện đại, mà là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và truyền thống canh tác.

ht11-1724917917.jpg
Hội thảo khoa học với chủ đề: "Thực trạng chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa".

Nội dung chuyển đổi số được nhắc rất nhiều trong các cuộc họp của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và trên 30% GDP vào năm 2030, với năng suất lao động tăng trên 7%/năm. Năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dẫn đầu châu Á. 

Là một trong những tỉnh, thành phố tiên phong trong việc ban hành nghị quyết, chuyên đề về chuyển đổi số, Thanh Hoá đang thể hiện quyết tâm trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, và phát triển kinh tế địa phương theo hướng hiện đại, bền vững. Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thanh Hoá xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tỉnh sẽ tập trung xây dựng và phát triển kinh tế số trên năm lĩnh vực chính, trong đó có nông nghiệp (Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, 2021). Một trong các mục tiêu của chuyển đổi số đến năm 2025 của Thanh Hóa, đó là Doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên trong tổng số doanh nghiệp phát sinh có thuế, và đến năm 2030 con số này phải tăng lên là 80%. Kết quả của các chính sách trên đã mang lại cho tỉnh cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; mạng truyền dẫn băng thông rộng, mạng 4G đã phủ sống hầu hết các thôn, bản, khu phố, cụm dân cư; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã được kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia. Công nghệ số đã và đang được áp dụng trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về xu hướng, tính tất yếu và vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế xã hội có chuyển biến tích cực. Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đứng tứ 15/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (Nghị quyết số 06-NQ/TU).

Thêm vào đó, Thanh Hoá là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp tới 909.766 ha (Báo Thanh Hoá, 2020a). Theo quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay tỉnh có tất cả 11 sản phẩm nằm trong danh sách là sản phẩm chủ lực. Trong đó chăn nuôi là một ngành có nhiều thế mạnh và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình chăn nuôi đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang hình thức trang trại quy mô lớn tập trung, bền vững gắn với chuỗi giá trị. Tuy nhiên, quy trình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết với bao tiêu sản phẩm so với quy mô của tỉnh là chưa nhiều. Các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi chưa áp dụng được các công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cũng còn nhiều hạn chế. Việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa tận dụng tốt các điều kiện tiền đề về chuyển đổi số trong tỉnh, kết nối hợp lý giữa các khâu của quá trình sản xuất và tiêu thụ, tạo ra hiệu quả cao, giảm chi phí và mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tuy đang có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến tỉnh và có tương đối đầy đủ các tiền đề cần thiết, nhưng quá trình chuyển đổi số nông nghiệp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Công nghệ số được tập trung áp dụng nhiều trong các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế... nhưng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp lại chưa được chú trọng nhiều. Các hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn thiếu, tài nguyên dữ liệu số còn ít, chưa đồng bộ, hiệu quả khai thác chưa cao, việc kết nối, lưu thông dữ liệu còn nhiều khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, thương mại điện tử phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng. Nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu về cả số lượng và chất lượng (Nghị quyết số 06-NQ/TU).

anh-ht1-1724917958.jpg

Những hạn chế  trên ngoài những nguyên nhân do nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp chưa rõ và đầy đủ, các doanh nghiệp, các cơ sở chưa chủ động, sáng tạo, mạnh dạn thay đổi thói quen, tư duy, hành động để đổi mới phương thức, quy trình hoạt động và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số thì còn một nguyên nhân quan trọng nữa là do các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chưa tìm ra được một mô hình chuyển đổi số phù hợp với thực tế của địa phương, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đồng thời chưa có bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, các cơ sở này. Việc chưa xây dựng được bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và mô hình chuyển đổi số phù hợp cũng dẫn dẫn đến các chủ trương, chính sách cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số và quản lý nhà nước về chuyển đổi số chưa theo kịp với tình hình thực tiễn.

Để thúc đẩy việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Thanh Hoá, theo TS. Hoàng Xuân Vinh - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội cần có sự tham gia tích cực, đi đầu của các nhà khoa học vào việc xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong thực tiễn. Còn theo GD.TS Lê Huy Hàm - khoa Công nghệ nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ, thì Nhà nước cần có giải pháp và chính sách cụ thể để tạo động lực, kích thích các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số. Cuối cùng, các chính sách về chuyển đổi số cho doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chi tiết từng hạng mục hỗ trợ CĐS trong NN & PTNT. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai CĐS trong NN & PTNT./.

Nguyễn Thị Lan Hương - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội