Chuyển dịch sản xuất nông sản theo hướng chất lượng cao ở Đắk Nông

Trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng, các nông dân, doanh nghiệp và HTX ở Đắk Nông đang có sự chuyển dịch sản xuất nông sản theo hướng chất lượng cao, an toàn và bền vững.

Trong những năm qua, Đắk Nông đã triển khai đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho ngành Nông nghiệp. Các phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chứng nhận được người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã hưởng ứng và tham gia vô cùng sôi nổi, tích cực. Quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng mở rộng. Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp hiện nay là trên 309.397ha. Trong đó, có 235.200ha là diện tích cây công nghiệp và cây lâu năm trên, còn cây hàng năm là gần 74.000ha.

dak-nong-chuyen-dich-san-xuat-nong-san-theo-huong-chat-luong-cao-an-toan-va-ben-vung-1711563890.jpg

Đắk Nông chuyển dịch sản xuất nông sản theo hướng chất lượng cao, an toàn và bền vững

Bốn cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su và điều được Đắk Nông xác định và xây dựng thành công các vùng nguyên liệu lớn. Tỉnh đã tạo được nhiều vùng nguyên liệu tốt, có quy mô. Việc sản xuất nông sản vì thế đã chuyển dịch theo các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.

Về áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cũng như các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông hiện có gần 170 cơ sở với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333ha. Trong đó bao gồm: 2.071,59ha tiêu chuẩn VietGAP; 464,5 ha tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ; trên 22.797ha theo các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance, Flo, …

Còn đối với việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng một phần công nghệ cao, Đắk Nông có trên 85.000ha với sản lượng trên 400.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đạt các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn khi có  211 cơ sở, với hơn 28.600ha sản xuất. Tỉnh đã công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng quy mô lên tới 2.423ha. 

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao giúp bà con nông dân tránh được sự tác động của thời tiết, nhất là biến đổi khí hậu; kiểm soát tốt dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hướng đầu tư mới này đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đắk Nông đã có hàng trăm người dân, doanh nghiệp đi theo hướng này.

mot-mo-hinh-san-xuat-rau-xanh-theo-tieu-chuan-vietgap-gan-voi-lien-ket-tieu-thu-san-pham-o-xa-quang-son-dak-glong-1711618315.jpg

Một mô hình sản xuất rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Quảng Sơn - Đắk Glong.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thời gian qua, nông dân, HTX và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản ở Đắk Nông đã từng bước tiếp cận với nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Trong giai đoạn 2004-2023, các ngành tỉ trọng lớn là nông, lâm, thủy sản có tốc độ tăng trưởng bình quân 18,61%/năm.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, cơ hội xuất khẩu nông sản Đắk Nông ngày càng lớn. Thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản của tỉnh hiện tại đã được mở rộng đến khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.Các thị trường xuất khẩu ổn định bao gồm Singapore, Nhật Bản, Malaysia… cà phê xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Úc; còn hạt điều xuất sang Singapore, Indonesia, Úc, Đức, Trung Quốc; hạt tiêu đen xuất sang Singapore, Hàn Quốc...

chu-tich-ubnd-tinh-dak-nong-ho-van-muoi-tham-quan-gian-hang-ocop-tai-tp-gia-nghia-nam-2023-1711618452.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tham quan gian hàng OCOP tại TP Gia Nghĩa năm 2023.

Đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp bình quân phấn đấu đạt mức 4,5%. Tỷ lệ giá trị nông sản sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt đạt 25% trở lên. Đồng thời, có thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận mới, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt trên 80 sản phẩm.

Đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp đạt trên 5,1%; giá trị sản xuất đạt trên 150 triệu đồng/ha. Đồng thời, có thêm ít nhất 40 sản phẩm OCOP được công nhận mới và trên 15% sản phẩm trong số đó đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao./.

Hồng Giang