Những bất tiện trong đời sống, sinh hoạt
Là một đôi vợ chồng trẻ mới cưới, anh Nam, chị Nụ rất muốn có nhiều thời gian tự do và không gian riêng bên nhau. Ngày còn bé, ông nội chăm chút cho Nam nhiều lắm! Thương ông thật nhiều nên Nam chỉ ước mơ cả cuộc đời mãi mãi được ở bên, chăm sóc và phụng dưỡng cho ông! Rắc rối bắt đầu xuất hiện khi vợ chồng Nam liên tục những bữa tối không kịp về đoàn tụ. Cảnh ông nội và bố mẹ già đợi cơm khiến vợ chồng Nam áy náy không yên. Những bữa tiệc tiếp khách, những cuộc vui với anh em bạn bè, những lần đưa vợ về nhà ngoại sum họp... Cuộc vui mới kịp bắt đầu chưa được bao lâu thì đôi bạn trẻ đã phải vội vã ra về vì không muốn bố mẹ ra ngóng vào trông. Thêm một lúc vui của mình là thêm một khoảng đợi chờ của đấng sinh thành. Bất tiện hơn nữa là việc nhà mặt phố, cơm nước xong là ông bà khoá cửa, ngại đi chơi về muộn lại đánh thức và làm phiền bố mẹ hoặc ông từ trên tầng xuống mở cửa nên đi đâu cứ nhấp nhổm chẳng yên! Cả một tuần thức khuya dậy sớm đi làm xa nhà 40km, nhiều hôm chủ nhật hai vợ chồng muốn được ngủ bù một chút lại phải bật dậy dọn hàng. Lâu dần, vợ chồng Nam thấy gò bó, khó chịu vì cứ phải giới hạn tuổi trẻ sôi động của mình cùng nhịp sinh hoạt của các cụ già.
Suy dinh dưỡng giữa cả đại gia đình béo ú!
Câu chuyện tưởng như đùa mà là nỗi ấm ức khó nói của chị V! Từ ngày về làm dâu, chị quên mất khẩu vị của chính mình! Thay bằng chiều chuộng mình như trước, giờ đây mọi món ăn do chính tay chị nấu đều phải chiều theo khẩu vị của người thân! Vốn là một người mê tít các gia vị theo cách chế biến hiện đại, vậy mà giờ mỗi lúc nấu ăn đều phải nêm nếm thêm chút tương quê theo khẩu vị mẹ của chồng. Nhiều hôm gắp miếng thức ăn vào bát, nước mắt muốn trực rơi nhạt nhoà bởi những hương vị khó ăn. Nhịn thì đói, ăn thì nuốt không muốn trôi! Cùng cảnh ngộ chung sống nhiều thế hệ, chị T lại quá tủi phận vì lối sống tiết kiệm của bố mẹ chồng. Tan 5 tiết dạy với thân thể rã rời mệt mỏi, chị hồ hởi chị trở về bên mâm cơm trưa, ước ao được một bữa no để bù lại cả nửa ngày nói khô cổ. Mở chiếc lồng bàn đậy sẵn, cổ họng chị nghẹn đắng khi thấy mâm cơm đơn sơ với mấy hạt lạc rang cháy, đĩa rau muống luộc và 2 bìa đậu luộc. Cảm thương trước gương mặt bần thần, mẹ chồng gặng hỏi mãi xem “ở trường có chuyện gì làm con không vừa lòng” mà chị chỉ biết ôm mặt khóc! Rõ ràng, hàng tháng vẫn gửi tiền cho mẹ, vò võ đi làm chỉ mong đc bữa cơm ngon mà cuối cùng phải ôm bụng đói meo vì lẽ : mẹ tiết kiệm giữ cho các con!
Không giống như hai chị gái, cô M lại có phúc phận được quây quần hàng ngày với cả bố mẹ chồng, chị dâu và 3 thằng cháu con anh chị chồng! Bữa cơm gia đình hôm nào cũng ríu rít tiếng cười. Ai có nghĩ đâu, trong cái không khí vui tươi ấy có một người cứ héo mòn dần. Chị đi làm cả buổi về con mới được gặp mẹ, thằng bé mải ti, mải nghịch, mải đòi, quằn quại bám riết đánh đu lấy mẹ suốt bữa ăn, lúc đến lượt mẹ được ăn cũng là lúc thức ăn nguội ngắt và đàn cháu vô tư đang tuổi lớn đã chén sạch. Bữa trưa đã vậy, bữa tối trở nên ám ảnh hơn vì cả nhà đều mập chỉ muốn ăn kiêng, mọi người bán hàng ở nhà, ra vào có đồ ăn vặt nên đến bữa dửng dưng không đói, chỉ có M đi làm về thân xác rã rời, muốn được bù lại năng lượng sau một ngày làm việc mệt nhoài, mà xem ra không phải lúc nào cũng dễ dàng chủ động sắp xếp mọi thứ theo ý mình. Ngày qua ngày, cuộc sống như thế cứ lặp đi lặp lại. Hàng xóm cứ thắc mắc mãi rằng “con bé bị hậu sản hay sao mà càng ngày càng quắt xí đến xanh xám?” M chỉ chua chát mỉm cười vì chỉ có tự cô ấy hiểu rằng bản thân đang thiếu thứ gì? Vitamin tự do - thứ tưởng chừng rất đơn giản mà trở nên xa xỉ! Cuộc sống chung phức tạp đã làm cô đánh mất chính mình. Lặng lẽ như một cái bóng, xót xa cái thân thể ngày càng gầy gò, tiều tuỵ của mình trong một gia đình cả nhà khoẻ mạnh, vô tư.
Khó chịu với những món đồ chung đụng
Sống cùng nhà đã không dễ chịu, dùng chung đồ càng khó chịu biết bao! Cảnh sống chung đã khiến nhiều nàng dâu cảm thấy bực bội trong người khi mọi thứ đồ dùng cá nhân trở thành đồ công cộng! Nhiều lần nghe chị V ấm ức: quần áo, giày tất, khăn sữa, yếm dãi của con mình... mua rất nhiều mà cứ đi đằng nào hết! Thì ra ở chung nhà nên mọi thứ cứ dung chung! Hai chị em dâu sinh nở cùng lứa với nhau, bà nội trông cháu nên tất cả thành chung hết, từ đồ ăn, đồ mặc, bỉm sữa đến đồ dùng... Nhiều lúc chạnh lòng và có chút không ưa vì tất cả bị đem ra thành đồ tập thể! Chưa kể đến việc một đứa trẻ rất dễ ăn dễ mặc, trong khi con mình ăn kén, khó chăm. Nhìn những thứ quý giá dành dụm cho con cứ bị hao hụt khi chưa kịp dùng mà thêm "xót ruột". Đám trẻ ở cùng nhà chơi đùa, xô đẩy, tranh giành đồ chơi, nhiều khi một chút ganh đua do không nhường nhịn nhau dễ trở thành chuyện trẻ con mất lòng người lớn.
Xã hội còn muôn hình vạn trạng các kiểu sống chung nhiều thế hệ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhiều nàng dâu khổ tâm, ức chế khi sống chung đã lâu nhưng sợi dây tình cảm không thể kết nối được. Trong cảnh bữa cơm sum vầy còn phân biệt: mọi thức ăn mình mua bố mẹ không đụng đũa bao giờ! Cũng có những nàng dâu bực bội thấy đời tư bị xâm phạm khi mẹ chồng cứ liên tục vào phòng dọn dẹp và phàn nàn chê con “ở bẩn”. Ở một nơi nào đó, gia đình nọ vẫn vui vẻ chan hoà. Biết cụ già đến bữa không thể đợi lâu và tay run làm vương vãi thức ăn nên các con thường dọn cho bà ăn trước, hễ nghe tiếng bát đũa lạch cạch đặt xuống mâm là biết cụ ăn xong, đứa chắt nhỏ thoăn thoắt chạy vào bưng mâm và dọn mâm mới cho ông bà bố mẹ. Không ai phải chờ đợi và cũng không để ai phải khó chịu lúc ăn. Chiều cuối thu dịu mát, thoảng nghe qua câu chuyện của một người đàn ông đứng tuổi: “ Cưới cho con trai xong chú sẽ cho tụi nó ở rêng, vợ mày mày ôm, vợ tao tao ôm, ngày nghỉ tao dậy muộn cấm có làm phiền, vợ chồng tao có thói quen dậy muộn!”… câu chuyện kết thúc bằng tràng cười tán dương không ngớt của những người đối diện. Đơn giản thôi mà cũng là ước mong của biết bao người, muốn được làm chủ cuộc sống của mình, muốn được tự do với mô hình gia đình hạt nhân mà còn bị đè nặng bởi tư tưởng phải sống chung để báo hiếu ông bà cha mẹ. Trở lại câu chuyện của những nàng dâu vừa nói, may mắn cho chị T đã dám mạnh dạn xin mẹ chồng cho phép được ở riêng, bà vui vẻ bằng lòng đồng ý để vợ chồng chị tự sắp xếp cuộc sống. Ra ở riêng được hai tháng, chị mập lên trông thấy, thêm yêu đời và thấy tình cảm mẹ con gắng bó hơn. Còn M và V, vẫn lặng lẽ âm thầm tự dối lòng mình là mình rất ổn, sợ cuộc sống chung đang yên ổn nên không muốn làm xáo trộn, không muốn cha mẹ buồn vì nghĩ mình muốn trốn nghĩa vụ làm con… Chợt thấy thương những cô gái đó, họ chạnh lòng khi hội chị em bạn dì vi vu với đôi cánh tự do, họ không phải nhấp nhổm đi đâu cũng lo đi rồi về sớm, không phải lo sáng dậy sẽ ngủ quên, không phải lo cảnh muốn đi đâu đợi chờ được cho phép, mong được nấu một bữa cơm chiều theo khẩu vị của chính mình, mong được đắp lại một vóc dáng béo khoẻ đẫy đã như những ngày sống cùng cha mẹ…