Chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên 2/11

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm trong phiên ngày 2/11 trong bối cảnh nhà đầu tư “án binh” trước cuộc họp chính sách quan trọng của các ngân hàng trung ương trong tuần này, trong khi vẫn giữ sự thận trọng về tình hình lạm phát hiện nay và sự bế tắc về chuỗi cung ứng.
photo1620794574793-1620794574918914472723-1635851119.jpg
Chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên 2/11

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 29.520,90 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 25.099,67 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 3.505,63 điểm.
Chứng khoán Sydney, Wellington, Mumbai, Jakarta và Đài Bắc đều giảm, trong khi chứng khoán Singapore, Seoul, Manila và Bangkok tăng điểm.

Việc các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall khép phiên ở mức cao kỷ lục ban đầu đã góp phần tạo đà cho các thị trường khác trong bối cảnh hầu hết các công ty lớn đều công bố báo cáo lợi nhuận vượt dự kiến bất chấp những lo ngại về tác động của chi phí đầu vào tăng và số ca mắc COVID-19 gia tăng trong quý III/2021.
Tuy nhiên, sự khởi đầu đầy hứa hẹn lúc ban đầu này đã nhường chỗ cho hoạt động bán ra trong bối cảnh các nhà giao dịch vẫn phân vân về triển vọng của Hong Kong và Thượng Hải do đợt bùng phát dịch mới nhất tại Trung Quốc khiến các nhà chức trách phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn. Những động thái tương tự tại nước này hồi đầu năm đã khiến hoạt động kinh tế giảm mạnh và kéo tăng trưởng đi xuống.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho đến nay vẫn lạc quan về triển vọng thị trường.
Sự chú ý của thị trường hiện hướng đến các cuộc họp chính sách của các ngân hàng trung ương trong tuần này. Trong bối cảnh một số nước bắt đầu tăng lãi suất, các nhà giao dịch hiện đang chuẩn bị cho sự kết thúc của kỷ nguyên tiền rẻ (là một khoản vay hoặc khoản tín dụng có lãi suất thấp, hoặc chính sách lãi suất thấp được một ngân hàng trung ương đề ra), yếu tố giúp thúc đẩy thị trường xác lập các kỷ lục mới trong nhiều năm.
Ngày 2/11, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương nước này) thông báo sẽ không duy trì lợi suất thấp đối với trái phiếu kỳ hạn ba năm, trong khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào ngày 4/11.

Tuy nhiên, cuộc họp ngày 3/11 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang là tâm điểm của sự chú ý. Các quan chức Mỹ được dự báo sẽ bắt đầu giảm dần chương trình mua trái phiếu trong tháng này, song các nhà quan sát cho biết thời điểm tăng lãi suất sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Chuyên gia Steven Englander của Ngân hàng Standard Chartered, cho biết trọng tâm chính của cuộc họp sẽ “tập trung nhiều vào lập trường của Fed về vấn đề lạm phát hơn là giảm dần chương trình mua trái phiếu”.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,94% lên 1.452 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 2,06% lên 424,11 điểm.