Chưa nên coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu”

Một cơ quan thông tin đại chúng chính thống (tôi không tiện nêu tên), ngày 4/3/2022 đã sốt sắng và có phần võ đoán nêu: “Tâm thức xã hội đối với Virus đã khác trước nhiều - khi Covid-19 được nhìn nhận như bệnh đặc hữu”…
xetnghiem-07443083-1646557207.jpeg
Minh họa

Cũng “may” ngay ngày hôm sau (5/3), Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về “bệnh lưu hành” còn gọi là “bệnh đặc hữu”. Và bệnh dịch Covid-19 ở Việt Nam chưa nên coi là “bệnh đặc hữu”, vì lý do chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Theo Bộ Y tế, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng quyết định coi bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” khi thời điểm thích hợp.  

Tôi tán thành Bộ Y tế chưa nên coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu”. Và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan, sớm nghiên cứu tách bạch rõ ràng hơn nữa về triệu chứng Fo với các bệnh thường gặp khác như: ho, đau họng, viêm họng, sốt, hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm… Đơn cử người bị Covid-19  đau họng, khác với người viêm họng cũng đau họng thế nào?…

Để trên cơ sở đó, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và có thể in thành tờ rơi thật ngắn gọn dễ hiểu, đơn giản hóa những nội dung phức tạp, phát đại trà cho quảng đại quần chúng nhân dân nắm được để phòng và chống.

Đặc biệt theo chủ quan tôi cho rằng, mục tiêu nghiên cứu sớm của Bộ Y tế cùng các Bộ ngành liên quan nêu trên, có thể tiến tới giúp nhân dân chẳng cần phải test (kiểm tra) cũng nhận ra Fo. Hoặc cùng lắm cũng chỉ phải test 1 lần dương tính -trước khi quyết định phải dùng thuốc điều trị Covid-19. Và test 1 lần nữa, âm tính -khi khỏi bệnh.

Về các loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 như: Molnupiravir, Remdesivir, Corticosteroid… cơ quan chức năng tiếp tục cập nhật, bổ sung, phổ biến “chỉ định dùng” và “chống chỉ định dùng” công khai như: Remdesivir điều trị bệnh nhân Fo thể trung bình và nặng. Corticosteroid điều trị bệnh nhân Fo thể nặng. Ivermectin (nếu có bán trôi nổi chợ đen), chống chỉ định bệnh nhân Covid-19…

Ngoài ra, tôi kiến nghị Chính phủ phân cấp Bộ Y tế tự quyết định các vấn đề thuộc về khoa học chuyên môn. Chẳng hạn ngày 5/3 vừa qua, Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho các bệnh nhân Fo và F1 được đi làm trong thời gian cách ly (với điều kiện làm việc có thể); là hoàn toàn về chuyên môn ngành Y sẽ quyết định được.

Nhân đây tôi nhớ lại một kỷ niệm vui năm xưa, vào giai đoạn đồng chí Đổng Sỹ Nguyên làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có chủ trì 1 buổi họp liên cơ quan (tại cơ quan Bộ Xây dựng, ở 37, Lê Đại Hành, Hà Nội) và tôi vinh dự được là đại diện của 1 cơ quan Bộ khác đến họp.

Trong buổi họp đấy, Bộ trưởng Đổng Sỹ Nguyên nêu tình trạng “tập trung quan liêu bao cấp”… Ông lấy thí dụ cụ thể việc phân phối ít gạch lát nền nhà, cũng phải trình lên Bộ trưởng xét duyệt. Và ông nói luôn: “Như vậy là quan liêu đã leo lên đến Bộ trưởng rồi”…

Trở lại thời dịch Covid-19 hiện giờ, đâu còn “tập trung quan liêu bao cấp”. Ngành Y Tế sẽ duy trì, phát huy chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao, trong nhiệm vụ chữa bệnh dịch (Covid-19) cho nhân dân. Làm sao giảm tử vong đến mức thấp nhất số người bị bệnh. Do vậy không hấp tấp, coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu” bây giờ. Hy vọng thời dịch (Covid-19) sẽ qua mau, trong Đất Nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta./.

Nguyễn Thành Lập