Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong cao điểm mùa khô 2024

Để ngăn chặn "giặc lửa", ngay từ đầu năm 2024, các cấp, các ngành của tỉnh Đắk Lắk cùng các đơn vị quản lý đã chủ động triển khai công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), bảo vệ tài nguyên rừng.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, từ đầu mùa khô nhiều đơn vị quản lý rừng đơn vị đã tiến hành phát dọn đường băng cản lửa, làm sạch không để thực bì phủ dày và tổ chức đốt non chủ động. Ngoài ra, phương án xử lý, ứng phó và triển khai chữa cháy cũng được lên kế hoạch, sẵn sàng cho các tình huống cháy rừng trên địa bàn trọng điểm. Phương châm "bốn tại chỗ" được quán triệt mạnh mẽ đó là: lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.

dien-tap-phong-chong-chay-rung-tai-huyen-mdrak.png
Diễn tập phòng chống cháy rừng tại huyện M’Drắk.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có tổng diện tích hơn 26.887 ha với nhiều thảm thực vật, nguy cơ xảy ra cháy vào mùa khô là thường xuyên. Nhiều người dân thường dừng lại hút thuốc lá vào rừng bằng đường mòn, lối mở để bẫy thú, đốt ong làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Đơn vị quản lý khu vực này cho biết công tác PCCC tại đây luôn được duy trì ở mức độ cao nhất. Để chủ động công tác PCCC, đơn vị đã bố trí chòi canh để theo dõi, kiểm soát mọi tình huống 24/24 giờ.

Về phía UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương và chủ rừng tăng cường công tác PCCC ngay từ đầu mùa khô năm 2024. Theo đó, từ đầu mùa khô năm 2024 UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương và chủ rừng tăng cường công tác PCCC rừng phải đề cao tinh thần chủ động các phương án, hạn chế thấp nhất rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra. Ngoài ra, khi phát sinh cháy, cần huy động lực lượng đủ mạnh nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

hien-truong-vu-chay-rung-tai-xa-ealai-dak-lak-sau-khi-duoc-dap-tat.png
Hiện trường vụ cháy rừng tại xã EaLai (Đắk Lắk) sau khi được dập tắt.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, các quy định về PCCC cho người dân cũng được đẩy mạnh. Tỉnh phối hợp với các đơn vị quản lý và chủ rừng nhằm củng cố lực lượng PCCC; tập huấn cho nhân viên về nghiệp vụ chữa cháy và cách sử dụng phương tiện chữa cháy. Ngoài ra, chủ động bố trí nhân sự tuần tra, canh gác và phối hợp cộng đồng các thôn, làng xung quanh rừng trong việc phòng ngừa cháy rừng.

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 413.000 ha rừng tự nhiên và hơn 83.000 ha rừng trồng. Vào mùa khô, đây là một trong những địa phương có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao bởi có diện tích lớn về rừng trồng, rừng khộp, rừng hỗn giao… Trong đó, có ba khu vực trọng điểm nguy cơ xảy ra cháy rừng. Cụ thể: Khu vực 1 có diện tích 56.149 ha - nguy cơ cháy rừng rất cao; Khu vực 2 có diện tích 191.407 ha - có nguy cơ cháy rừng cao; Khu vực 3 có diện tích 11.370 ha - có nguy cơ cháy rừng./.

Hồng Giang