Quảng cáo #128

Chợ truyền thống đổi thay thời công nghệ số

Chợ truyền thống - nơi lưu giữ bản văn hóa đang khoác lên mình diện mạo mới để thích ứng với thời đại công nghệ số. Từ thanh toán không tiền mặt đến kinh doanh trực tuyến, các tiểu thương đang nỗ lực đổi mới, mang đến hơi thở hiện đại cho những khu chợ nhỏ gắn bó với đời sống dân dân.
cho-truyen-thong-1-1734532626.jpg
Hiện nay tất cả các tiểu thương ở chợ truyền thống đều có mã QR để tiện cho việc thanh toán.

Sự trỗi dậy của thương mại điện tử và sự cạnh tranh khốc liệt từ các siêu thị lớn đã đặt các chợ truyền thống vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên, thay vì thụ động trước những thay đổi, nhiều tiểu thương đã chủ động thích ứng bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, nhằm thu hút khách hàng và duy trì hoạt động kinh doanh.

Ghi nhận thực tế tại chợ Mạ, xã Định Hưng (huyện Yên Định, Thanh Hóa), việc thanh toán bằng mã QR đã trở nên phổ biến. Hầu hết các sạp hàng đều tích hợp hình thức thanh toán này, mang đến sự tiện lợi cho người mua. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương còn tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Zalo để quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn.

Chị Lê Thị Minh, chủ quầy tạp hóa tại chợ Mạ, chia sẻ: “Để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của khách hàng, tôi không chỉ bán hàng tại chợ mà còn nhận đơn hàng qua điện thoại và giao hàng tận nơi. Việc đa dạng hóa kênh bán hàng giúp tôi giữ chân khách hàng và tăng doanh thu.”

cho-truyen-thong-2-1734532800.jpg
Người dân và tiểu thương đã dần quen với việc đi chợ không tiền mặt.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Trang chủ cửa hàng giày dép tại chợ Tây Thành, đã tận dụng mạng xã hội để mở rộng kinh doanh. Chị cho biết: “Trước đây, chợ rất đông khách, nhưng giờ đây, tôi đã chủ động xây dựng kênh bán hàng online trên Zalo và Facebook để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Việc thường xuyên cập nhật mẫu mã sản phẩm và đảm bảo chất lượng đã giúp tôi duy trì được lượng khách hàng ổn định.

Chợ truyền thống không chỉ là nơi giao thương sầm uất mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Với hơn 388 chợ truyền thống, Thanh Hóa đã và đang nỗ lực hiện đại hóa các chợ, tạo ra không gian mua sắm tiện nghi và hấp dẫn.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các chương trình đào tạo, nhiều tiểu thương đã nhanh chóng thích ứng với công nghệ, áp dụng hình thức thanh toán điện tử và quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Việc kết hợp giữa nét truyền thống và công nghệ hiện đại không chỉ giúp bảo tồn văn hóa địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân./.

Hà Khải