Cũng là nơi mua bán hàng hoá, nhưng chợ quê, đặc biệt vào phiên chợ Tết luôn có những nét đặc trưng riêng khác biệt với chợ nơi đô thành, phố thị. Đây cũng là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí của một mùa xuân mới đang đến.
Những năm gần đây, do công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội bán đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà nên rất nhiều người có xu hướng mua hàng online. Thế nhưng, mỗi khi Tết đến ai cũng nôn nao về nhà, về quê, và vẫn thích đi chợ quê ngày Tết như cái thuở còn thơ theo mẹ năm nào. Những phiên chợ quê như thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.
Sở dĩ nhiều người thích đi chợ quê vì cảm giác đi chợ quê ngày tết rất vui, giống như đi trẩy hội vậy. Chợ quê là nơi gắn bó cũng là ký ức của nhiều người con xa quê. Ở chợ quê, có sự nhọc nhằn của mẹ, sự vất vả của cha khi cố gắng buôn bán để sắm được đôi dép, quần áo mới cho con cái. Đi chợ quê ngày Tết, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới.
Anh Nguyễn Minh Thoan (41 tuổi) quê huyện Nam Sách, Hải Dương hiện đang sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Tết quê, chợ quê gắn với tuổi thơ của tôi, đó là một ký ức mà tôi không thể nào quên. Cho dù cuộc sống hiện tại giờ khác xưa quá nhiều nhưng ký ức về phiên chợ quê ngày Tết vẫn in đậm trong tôi. “Năm nào cũng vậy, cứ ngày giáp Tết cho dù bận thế nào tôi cũng đưa vợ con, cả gia đình về quê để thắp nhang tổ tiên rồi đi chợ quê, vợ con tôi thích lắm”. Anh Thoan nói.
Thông thường ở những phiên chợ quê thì chỉ họp vào buổi sáng hoặc theo phiên. Nhưng vào dịp Tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên chợ có thể họp cả ngày, vì vậy không khí Tết ở chợ quê càng trở nên nhộn nhịp hơn từ ngày 23 tháng Chạp. Bắt đầu từ thời điểm này các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm, mâm ngũ quả cho ngày Tết. Còn những đứa trẻ thì luôn phấn khởi, với chúng niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố, mẹ đi chợ mua sắm quần áo, hoa quả, bánh kẹo.
Nhiều mặt hàng nông sản của bà con đem từ vườn ra hoặc từ các chợ đầu mối đổ về làm cho chợ quê thêm phong phú. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành... đến những nải chuối, buồng cau... đều có ở chợ quê. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm đều do người dân làm ra rồi tự mang đi bán, nâng cao thu nhập. Những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những nải chuối xanh, quả cau, quả bưởi... đều được người nông dân mang ra chợ, vừa tươi, vừa ngon mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị.
Nhưng góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những gian hàng hoa, những dãy bòng bưởi, hay rổ trầu không của các cụ già. Người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn, hoặc ngồi trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp rồi bày nông sản trên đó.
Phiên chợ quê ngày Tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Cũng chính chợ quê là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn. Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Phiên chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.