Tôi biết NSNA Dương Thanh Xuân từ khi còn trên ghế trường THPT Trần Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm ấy, anh phụ trách đội tuyển Văn của trường, và cũng là người gợi ý cho tôi con đường vào nghề. Học trò quí mến thầy giáo Xuân bởi dáng vẻ thư sinh, phong cách nhẹ nhàng. Và nhiều người càng nể phục anh với niềm đam mê nhiếp ảnh cháy bỏng, dù bấy giờ nhiếp ảnh là một thú chơi tốn kém. Để rồi, anh trở thành người cầm máy đầu tiên ở Phú Yên được kết nạp vào Hội Nghê sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), là chủ sở hữu của rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, là người "nối nhịp cầu" cho bạn bè, đồng nghiệp, du khách trong và ngoài nước đến với Phú Yên qua những bức ảnh giàu cảm xúc, ăm ắp thông tin…
Sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gây tiếng vang, chúng tôi có thực hiện một chương trình truyền hình trực tiếp, gặp gỡ đoàn làm phim để ê-kíp có dịp giao lưu với khán giả Phú Yên. Khi đó tôi mới biết, NSNA Dương Thanh Xuân chính là người rong ruổi nhiều tháng trời tại Phú Yên để cùng đạo diễn lựa chọn bối cảnh cho phim.
Trở lại câu chuyện hơn 30 năm trước, cũng chính anh là người đưa vẻ đẹp nguyên sơ, độc đáo của gành Đá Dĩa lên báo Phú Khánh, để rồi, danh thắng này trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Phú Yên. Không chỉ có gành Đá Dĩa, bước chân anh in dấu khắp mọi nẻo đường trên quê hương Tuy An, Đồng Xuân tươi đẹp. Khi thì một sớm mai mù sương ở phố núi La Hai, ở địa đạo gò Thì Thùng, khi thì bình minh trên đầm Ô Loan, bên dòng Ngân Sơn thơ mộng, lúc thì tĩnh tại bên thánh đường Mằng Lăng cổ kính hay trong khuôn viên ngôi chùa Đá Trắng trầm mặc vẻ u hoài… Người ta nói để có những bức ảnh đẹp về phong cảnh quê hương đất nước, NSNA Dương Thanh Xuân bấy giờ đã “đốt” không biết bao nhiêu cuốn phim nhựa để chọn được một hai tấm ưng ý. Bên cạnh ảnh phong cảnh, mảng ảnh về đời sống con người cũng được anh bắt đầu chú ý. Những bức ảnh về đám cưới, đưa dâu, đón dâu băng qua những cánh đồng vàng ươm ở Tuy An, hình ảnh cô dâu chú rể ngồi trên những chiếc sõng mong manh trong mùa mưa lũ ở An Định, An Thạch, Tuy An… luôn gợi cho người xem rất nhiều cảm xúc.
Một câu chuyện làm nhiều học trò càng trân trọng thầy giáo Dương Thanh Xuân bấy giờ là anh đã “xung phong” nhận suất tinh giản biên chế để nhường cho một đồng nghiệp ngoài Bắc được ở lại trường THPT Trần Phú khi ngành giáo dục tinh giản biên chế. Anh nói, mình là dân địa phương, dù sao cũng có điều kiện ổn định cuộc sống hơn đồng nghiệp ở xa đến (anh là con một chủ tiệm vàng có tiếng ở thị trấn Chí Thạnh).
Rời bục giảng với bao kỷ niệm thân thương cùng học trò, không lâu sau anh đầu quân cho báo Phú Yên. Làm báo khi tuổi đời không còn trẻ, nhưng hiếm có một sự kiện nào ở Phú Yên, ở các tỉnh miền Trung Tây nguyên mà thiếu tay máy Dương Thanh Xuân.
Anh em làm truyền hình có điều kiện hơn về phương tiện đi lại, nên hễ có sự kiện, có thiên tai bão lũ, thì anh là một trong những người đầu tiên gọi cho tôi “xe còn rộng cho thầy quá giang với Thanh Hưng?!”. Vậy là anh lên đường! Còn nhớ, những trận lũ kinh hoàng ở Xóm Trường, ở An Định, anh là người đầu tiên và gần như duy nhất có được những bức ảnh dân dỡ nhà leo lên nóc đĩ để được bộ đội giải cứu. Những bức ảnh lay động hàng triệu trái tim cả nước. Anh quan niệm không có sự rạch ròi giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Một bức ảnh báo chí giàu cảm xúc, làm rung động lòng người, đó không phải là một tác phẩm ảnh nghệ thuật có giá trị hay sao? Chính vì thế những bức ảnh của NSNA Dương Thanh Xuân vừa đầy ắp thông tin, vừa dạt dào nguồn cảm xúc.
Các triển lãm cá nhân với hàng chục tác phẩm nhiều kích cỡ của anh đã mang đến cho người xem cái nhìn trong trẻo về phong cảnh và con người Phú Yên. Đặc biệt là, những khoảnh khắc trong đời sống của người dân ven biển mà nếu không có những chuyến đi về với bà con, khó mà có được những khoảnh khắc đó. Anh còn một số lượng lớn ảnh về những khó khăn mà người dân ven biển phải đối mặt mà anh đang ấp ủ cho những lần ra mắt tới. Đó là tình trạng tôm hùm, cá mú cùng nhiều loại thủy sản khác thỉnh thoảng lại chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường ven biển trầm trọng, là những hiểm nguy trong cuộc mưu sinh của ngư dân trên biển…
Năm 2000, bức ảnh Bè cói trên đầm Ô Loan của anh là tác phẩm đầu tiên của Phú Yên được triển lãm tại cuộc thi ảnh toàn quốc. Ba năm liền sau đó, anh đạt liên tục nhiều giải cao ở các cuộc thi ảnh báo chí: Giải đặc biệt cuộc thi ảnh 100 điểm đến thú vị của Báo Tuổi trẻ năm 2009, giải Nhất thể loại ảnh bộ cuộc thi ảnh Khoảnh khắc vàng lần 3 – năm 2010 do Thông tấn xã Việt Nam và Hội NSNA VN, giải C cá nhân và giải B tập thể giải Báo chí Quốc gia 2009 và 2016, giải A Giải thưởng VHNT Phú Yên giai đoạn 2000 – 2005, giải A cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế SAGAMIHARA tổ chức ở Nhật Bản, cùng nhiều giải thưởng khác...
Bằng niềm yêu nghề cháy bỏng, bằng thành quả lao động nghệ thuật của mình, NSNA Dương Thanh Xuân đã bắc những "nhịp cầu" giúp Phú Yên khơi dậy các tiềm năng du lịch, những di sản văn hóa truyền thống. Sau triển lãm cá nhân lần thứ nhất với chủ đề Cảm xúc quê nhà (năm 2009), triển lãm lần này với chủ đề Biển Sáng (năm 2018) của anh như một lời cảm ơn quê hương đã sinh thành ra anh, cảm ơn bạn bè đồng nghiệp và những ai yêu thích ảnh nghệ thuật đã đồng hành cùng anh suốt hơn 30 năm qua. Dù đã nghỉ hưu, nhưng tôi tin chắc rằng, ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh trong anh sẽ vẫn còn cháy mãi. Cầu cho anh luôn chân cứng đá mềm để tiếp tục được sống với niềm đam mê mãnh liệt, để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà.