Chỉ thị về giải pháp gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng

Chỉ thị nêu rõ vật liệu xây dựng bao gồm ximăng, thép xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng và các loại vật liệu xây dựng khác có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở trong thiết kế và phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ ximăng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

san-xuat-vat-lieu-xay-dung-1-1724811033.jpg
Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.(Ảnh minh họa)

Nhận diện những khó khăn của ngành vật liệu xây dựng

Chỉ thị nêu rõ vật liệu xây dựng bao gồm ximăng, thép xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng và các loại vật liệu xây dựng khác có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở trong thiết kế và phát triển đất nước.

Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng nước ta gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất, tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đánh giá của các bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành cho thấy khó khăn chủ yếu, bao gồm:

Một là cơ chế chính sách để phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng còn có khoảng cách so với thực tiễn; phản ứng chính sách còn chưa kịp thời với các vấn đề phát sinh, cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các diễn biến nhanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng. Cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ứng dụng khoa học công nghệ chưa được ban hành cụ thể.

Hai là chi phí nhiên liệu than, dầu FO, khí nén thiên nhiên (CNG), khí gas hóa lỏng (LPG) và điện tăng cao. Các nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi, đá sét, phụ gia làm ximăng; cát trắng silic, đá vôi, đolomit làm kính; cao lanh, felspat (tràng thạch) làm gạch ốp lát, sứ vệ sinh; cát để sản xuất vật liệu xây không nung, nguyên liệu đầu vào làm thép… vẫn còn gặp khó khăn, có lúc chưa bảo đảm đủ ổn định để sản xuất.

Ba là thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường bất động sản trong nước tăng trưởng chậm, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ; chi phí vận tải tăng cao; xuất khẩu clanhke, các sản phẩm vật liệu xây dựng sụt giảm do cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt do sản phẩm nhập ngoại tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Bốn là tình hình tài chính gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là các doanh nghiệp ximăng có tỷ lệ vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng lớn. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi lớn. Do tiêu thụ sản phẩm rất chậm trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều nhà máy vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm ximăng, thép xây dựng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.

Năm là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái liên quan đến vật liệu xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

6 quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan quán triệt 6 quan điểm chỉ đạo, gồm:

Bám sát thực tiễn, kịp thời phản ứng nhanh chính sách với những vấn đề khó khăn, vướng mắc nổi lên, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, thép xây dựng và các loại vật liệu xây dựng khác.

Phát triển ngành vật liệu xây dựng bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.

Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng sản xuất xanh.

Phát huy, khuyến khích các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển vật liệu xây dựng.

Phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng, miền.

san-xuat-vat-lieu-xay-dung-2-1724811077.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. (Ảnh minh họa)

4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ và giải pháp sau:

Về cơ chế chính sách phát triển ngành:

Cụ thể là rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành vật liệu xây dựng nhanh, bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các khách hàng, trong đó có doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, ban hành các chính sách ưu đãi về sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao… làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và các vật liệu xây dựng khác. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhất là trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ ximăng, thép xây dựng.

Về áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sản xuất của ngành, nhất là sản xuất xanh:

Chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Về thị trường: Tăng cường dự báo diễn biến trong và ngoài nước để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp có các định hướng ổn định sản xuất, kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Về hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế biển...

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2020; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2021 và các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án liên quan đến vật liệu xây dựng để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội...

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định về Tự do thương mại của WTO; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.

Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lĩnh vực thép xây dựng cần được bảo đảm cân đối cung cầu và đầu tư phát triển bền vững; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực thép xây dựng như: các chính sách về thuế các loại (thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp,…), thu hút đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý lĩnh vực thép xây dựng...

san-xuat-vat-lieu-xay-dung-3-1724811020.jpg
Nhà nước đã và đang đề ra nhiều chính sách, trong đó có các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh.(Ảnh minh họa)

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng

Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh theo hướng áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clanhke xi măng ở mức phù hợp để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước có chất lượng thay thế vật liệu xây dựng nhập khẩu, thân thiện môi trường, các sản phẩm vật liệu xây dựng chế biến sâu để xuất khẩu theo cơ chế, chính sách hiện hành; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các trạm nghiền, trạm phân phối ximăng ở những địa phương không sản xuất được clanhke và có nguồn phụ gia, tận dụng được tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.

Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phòng chống thiên tai trên địa bàn để tăng lượng sử dụng ximăng, sắt thép và các vật liệu xây dựng khác.

Cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất.

Đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau; tăng cường sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng thay thế nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng với nhiều nước trên thế giới./.

Bình Châu