Châu Âu hứng chịu đợt nắng nóng kinh hoàng từ đầu tháng 7

Một đợt nắng nóng kinh hoàng ở Tây Âu đã gây ra vụ cháy rừng dữ dội, cản trở giao thông và khiến hàng nghìn người phải di dời khi châu lục này phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu.
107090341-1658171018657-gettyimages-1241388302-afp-32cr2vu-1658227898.jpeg
Lực lượng cứu hỏa hoạt động tại địa điểm xảy ra cháy rừng ở Pumarejo de Tera gần Zamora, miền bắc Tây Ban Nha, vào ngày 18/6/2022.

Nền nhiệt kỷ lục được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong tuần này và gây ra lo ngại về các vấn đề cơ sở hạ tầng như chảy nhựa mặt đường, mất điện trên diện rộng và đường ray xe lửa bị cong vênh.

Theo dự báo thời tiết, một số khu vực ở Pháp đã trải qua nền nhiệt độ kỷ lục lên đến gần 40 độ C. Tại Anh, nơi ít nhà có điều hòa nhiệt độ, nhiệt độ cao nhất cũng lên đến 38 độ C.

Ít nhất 5 quốc gia ở châu Âu đã ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo đỏ vì cháy rừng do điều kiện thời tiết nắng nóng khắp các nước Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong tuần qua, hơn 31.000 người đã phải sơ tán vì một vụ hỏa hoạn ở vùng Gironde, miền Tây Nam nước Pháp.

Biến đổi khí hậu đã làm cho các đợt nắng nóng và hạn hán trở nên phổ biến hơn, dữ dội hơn và lan rộng hơn. Điều kiện khô và nóng cũng làm trầm trọng thêm các đám cháy rừng, khiến sức tàn phá nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.

Thủ tướng Pedro Sánchez của Tây Ban Nha cho biết, ông đã đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng ở khu vực phía Tây của Extremadura. "Biến đổi khí hậu giết chết con người, hệ sinh thái và những gì quý giá nhất của chúng ta", ông nói.

107090308-1658168291101-gettyimages-1409174897-u6a2250-1658227899.jpeg
Khách du lịch đổ về bãi biển Levante ở Benidorm khi một đợt nắng nóng quét qua Tây Ban Nha vào ngày 16/7/2022 tại Benidorm, Tây Ban Nha.

Theo ước tính của Viện Y tế Carlos của Tây Ban Nha, ít nhất 350 người đã tử vong vì sốc nhiệt trong tuần qua. Tại Bồ Đào Nha, con số này là 240 người trong nửa đầu tháng 7 do nền nhiệt lên tới 47 độ C.

Ở Anh, dịch vụ xe lửa bị hạn chế do lo ngại rằng đường ray sẽ bị cong vênh vì nắng nóng. Nước Anh lần đầu đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ, mức cảnh báo khắc nghiệt nhất. Các chuyến bay cũng bị hoãn lại ở sân bay Luton (London) sau khi có vấn đề xảy ra vì nhiệt độ quá cao. Nhiệt độ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.

107090304-1658168148351-gettyimages-1241973782-afp-32et6zj-1658227899.jpeg
Những chiếc thuyền trong lòng hồ Brenets (Lac des Brenets), một phần của sông Doubs, biên giới tự nhiên giữa miền đông nước Pháp và miền tây Thụy Sĩ, ở Les Brenets vào ngày 18/7/2022.

Khi người dân khắp châu Âu chịu nắng thời tiết nắng nóng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra lời cảnh báo tới các nhà lãnh đạo của 40 quốc gia, tập trung thảo luận về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trng khuôn khổ Đối thoại Khí hậu Petersberg. Ông nói: "Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm từ lũ lụt, hạn hán, bão tố và cháy rừng. Không quốc gia nào nằm ngoài. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục nuôi cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch của mình."