Đức cung cấp 15 tỷ Euro để cứu Tập đoàn khí đốt Uniper

Ngày 22/07, Đức đã đồng ý cứu trợ Uniper với một thoả thuận giải cứu trị giá 15 tỷ euro (15,24 tỷ USD), khi công ty năng lượng trở thành nạn nhân đầu tiên trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu.
107086154-1657281921862-gettyimages-1241281200-20090101220613-99-648046-1658586538.jpeg
Uniper đã đàm phán với Chính phủ Đức về một gói cứu trợ.

Sau nhiều tuần đàm phán, chính phủ Đức và Phần Lan đã đạt thỏa thuận giải cứu hãng năng lượng lớn nhất nhì Đức Uniper.

Chính phủ Phần Lan phải tham gia đàm phán do cổ đông lớn nhất của Uniper là Fortum - một công ty Phần Lan do chính phủ sở hữu phần lớn. Theo thỏa thuận, chính phủ Đức sẽ nhận 30% cổ phần Uniper. Cổ phần của Fortum sẽ giảm từ 80% về 56%.

Chính phủ Đức sẽ mua 157 triệu cổ phiếu phổ thông mới của Uniper với giá 267 triệu Euro, đồng thời hỗ trợ khoản vốn lên tới 7,7 tỷ Euro thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi. Bên cạnh đó, ngân hàng đầu tư quốc doanh KfW cũng sẽ nâng hạn mức tín dụng cho Uniper thêm 7 tỷ Euro. Tổng cộng, Uniper sẽ nhận khoản cứu trợ khoảng 15 tỷ Euro (15,2 tỷ USD).

Uniper hiện là nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. Công ty này là nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức. Tháng trước, họ đã xin cứu trợ từ chính phủ trong bối cảnh cạn kiệt tài chính vì gánh mức lỗ hàng chục triệu euro mỗi ngày. Việc Nga giảm cung buộc Uniper mua khí đốt từ nguồn khác với giá cao hơn.

"Chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh mẽ", Giám đốc điều hành Fortum Markus Rauramo cho biết, "Việc cấp thiết hiện tại là bảo vệ nguồn cung năng lượng của châu Âu".

Sau gói giải cứu này, Uniper, Fortum và chính phủ Đức sẽ cùng nhau bàn bạc để tìm ra giải pháp lâu dài hơn. Các bên dự định đạt thỏa thuận về việc này vào cuối năm 2023.

Thỏa thuận hôm nay cũng sẽ cho phép Uniper tăng giá bán khí đốt cho khách hàng. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 8 lần do Moskva cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp xoa dịu tác động từ việc này.