Chăn nuôi và trồng trọt sẽ được ưu tiên chuyển đổi số

Chiều 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
minh-hoa-9213-1640602548.jpeg
Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số đang tác động sâu rộng vào đời sống xã hội của người nông dân, làm thay đổi tư duy quản lý và cách thức quản lý, vận hành ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi đơn vị phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển nhận thức thành hành động cụ thể; trong đó có việc tham mưu xây dựng các chiến lược, kế hoạch, định hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn dài hạn và hàng năm là rất quan trọng.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của Bộ đang tích cực phối hợp với các đối tác, đơn vị chuyên ngành để thí điểm triển khai chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi, trồng trọt một cách cụ thể, khả thi và thiết thực, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Chia sẻ về chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh, ông Trần Hùng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, bản chất của chuyển đổi số, công nghệ số là sự kết nối. Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cần quy trình kỹ thuật trồng, quy hoạch; quản lý vườn trồng; thị trường vật tư nông nghiệp; thông tin thời tiết, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh; điều khiển tưới nước, bón phân, chiếu sáng…; chính sách hỗ trợ sản xuất; quy trình thu hoạch, bảo quản chế biến; bán cho ai, bán như thế nào…

Trong khi đó, cơ quan quản lý cần quản lý vùng trồng; quản lý sản xuất; dự bảo khí hậu, sản lượng, thi trường, thiên tai, sâu bệnh…; lập kế hoạch, chiến lược, quy hoạch; cấp phép, chứng nhận sản phẩm; chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm cần dự báo sản lượng, chất lượng, giá cả; nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm; mua bao nhiêu, mua ở đâu, mua của ai; thông tin hạ tầng logistics.

Chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh cần xây dựng hạ tầng số như: hệ thống kết nối, trang thiết bị, trung tâm điều hành; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, đề điều…; xây dựng các ứng dụng số phục vụ cho điều hành tại sở nông nghiệp như: trang web; phần mềm.

Cấp tỉnh cần xây dựng hệ thống kết nối quan trắc dữ liệu nông nghiệp, bao gồm: hệ thống trạm quan quan trắc khí tượng nông nghiệp; mực nước và chất lượng môi trường đất và không khí tại các vùng; hoàn thiện và số hóa các, quy định quy trình kỹ thuật ngành nông nghiệp; xây dựng các ứng dụng số quản lý vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, quản lý sản phẩm và kết nối thị trường nông sản cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là phải đào tạo, tập huấn cho người dân và cán bộ tạo nguồn nhân lực và cộng đồng triển khai vận hành và ứng dụng.

Để thực hiện các công việc trên, ông Trần Hùng đề nghị Bộ sớm phê duyệt đề án chuyển đổi số của Bộ và xây dựng khung dữ liệu chung của ngành; xem xét đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc dữ liệu chuyên ngành môi trường, thổ nhưỡng, thủy văn, khí tượng nông nghiệp, vận hành quản lý các hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai…; xem xét đầu tư xây dựng sàn giao dịch nông nghiệp: nông sản,giống, vật tư nông nghiệp… kết nối quốc tế. Các cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung hoàn chỉnh và số hóa các quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn cấp mã vùng trồng; cấp giấy phép và chứng nhận chất lượng nông sản.

Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, lâm nghiệp đã xây dựng được hệ thông tin quản lý rừng theo từng lô rừng, mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu khác nhau. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước ban đầu, hành trình sắp tới là cần làm cho hệ thống “sống” và đến được người dùng, hệ thống có tính ứng dụng. Làm sao khi khai thác rừng hay rừng đạt độ che phủ thì sẽ cập nhật kịp thời trên hệ thống.

Lĩnh vực lâm nghiệp đã có tiền đề chuyển đổi số, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục xây dựng phương án gắn với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Văn Điển cho biết. Về lĩnh vực thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục đang thực hiện thí điểm cấp giấy chứng nhận khai thác điện tử cho các tàu khai thác. Thông qua việc cấp này sẽ tiến tới thông suốt việc quản lý cơ sở dữ liệu từ khai thác đến chế biến và cấp chứng nhận sản phẩm cho  xuất khẩu.

Riêng với nuôi trồng thủy sản, ông Trần Đình Luân cho rằng, việc số hóa dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Ngành đang tích cực làm việc với các đơn vị để làm sao số hóa đến được từng hộ nuôi chứ không chỉ đến vùng nuôi. Qua đó có được số liệu về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng… phục vụ cho việc quản lý điều hành sản xuất, ông Trần Đình Luân cho hay.

Tại hội nghị nhiều địa phương còn nhiều băn khoăn, lo lắng về công nghệ, nguồn nhân lực khi thực hiện các công việc trong chuyển đổi số. Đại diện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai kiến nghị cần có kiến trúc chuyển đổi số từ cấp xã với sự phân cấp, phân quyền cụ thể. Cần chọn vấn đề ưu tiên để làm đồng bộ toàn quốc với các nhiệm vụ ưu tiên theo từng cấp  triển khai như tỉnh, huyện, xã. Tránh việc mỗi địa phương, đơn vị lại thuê một đơn vị tư vấn để rồi lãng phí nguồn lực nhà nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, Bộ sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là cơ sở để toàn ngành triển khai chuyển đổi số, tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã vào quá trình chuyển đổi số./.