Tháo gỡ "nút thắt" trong chăn nuôi đại gia súc ở Cao Bằng

Với tiềm năng, lợi thế về phát triển chăn nuôi đại gia súc, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò nhằm đưa ngành chăn nuôi của tỉnh bứt phá, tạo động lực cho người nông dân xóa nghèo, ổn định đời sống. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, các chính sách này vẫn chưa phát huy hiệu quả và còn nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ.

Thống kê cho thấy trong những năm gần đây, số lượng tổng đàn trâu, bò của tỉnh giảm từ 3 - 5% mỗi năm. Đầu năm 2021, tổng đàn trâu, bò của tỉnh Cao Bằng có hơn 200.000 con, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt trên 2.254 tấn, thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.349 tấn.

Có nhiều nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi đại gia súc của Cao Bằng sụt giảm, không thể phát triển như tiềm năng và mong muốn. Thực chất chăn nuôi đại gia súc ở Cao Bằng vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình. Tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào chăn nuôi cũng như chế biến các sản phẩm thịt từ đại gia súc. Với người dân, tập quán chăn thả gia súc từ xưa vẫn duy trì, việc chăn nuôi phụ thuộc thụ động vào các bãi chăn thả tự nhiên.

Ngày nay, khi việc bảo vệ và phát triển rừng được đẩy mạnh, các diện tích bãi cỏ chăn thả tự nhiên bị thu hẹp dần khiến không gian phát triển của gia súc bị suy giảm. Để thay thế diện tích cỏ tự nhiên bị thu hẹp, một số người dân đã chủ động trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu bò. Tuy nhiên, diện tích cỏ của tỉnh hiện mới đạt hơn 2.700 ha, chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu thức ăn thô, xanh cho tổng đàn gia súc.

chan-nuoi-dai-gia-suc-1640431078.jpeg
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, điều khiến đàn gia súc giảm là do trước đây người dân chăn nuôi nhiều trâu, bò để lấy sức kéo và phân bón phục vụ trồng trọt. Người chăn nuôi trâu, bò cũng đối mặt với nhiều rủi ro như: bệnh dịch, thời tiết… Đặc biệt vào mùa đông lạnh, khí hậu khắc nghiệt, sức đề kháng suy giảm, thiếu thức ăn xanh, trâu bò rất sẽ sinh bệnh và chết. Một nguyên nhân quan trọng khác là do giá bán giảm và thị trường tiêu thụ hạn hẹp.

Bà Nông Thị Hoan, Trưởng phòng chăn nuôi - thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, rào cản lớn nhất đối với ngành chăn nuôi đại gia súc của Cao Bằng hiện nay là vấn đề thị trường tiêu thụ. Trước thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện, trâu, bò được các thương lái Trung Quốc thu mua với giá 100.000 - 110.000 đồng/kg hơi, nay chỉ còn 65.000 - 75.000 đồng/kg hơi. Trong khi đó, sức mua trâu, bò của thị trường nội địa rất hạn chế. Tỉnh Cao Bằng cũng chưa có doanh nghiệp nào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt trâu, bò nên tiêu thụ trong tỉnh rất ít.

Cùng với đó, người dân không còn ưa thích thịt bò Cao Bằng là do chất lượng thịt ngày càng suy giảm. Trước đây, sản phẩm thịt trâu, bò của Cao bằng có chất lượng rất tốt, thơm ngon vì được chăn thả tự nhiên. Thế nhưng gần đây, đa số trâu, bò trước khi đưa đi giết mổ đã được các thương lái thu gom, mang về nuôi vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp, thức ăn tăng trọng làm suy giảm chất lượng thịt.

Theo bà Nông Thị Hoan, chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc của tỉnh là chủ trương lớn và đúng đắn, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm như: tập trung cải tạo chất lượng đàn bò, nâng cao chất lượng thịt, tìm thị trường đầu ra ổn định cho người dân. Đặc biệt, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng thức ăn, đầu tư chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ thịt bò giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất./.