Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 16/11, Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp thực hiện chương trình cầu truyền hình với chủ đề "Tình sâu nghĩa nặng". Cầu truyền hình diễn ra tại 3 điểm cầu là: Tượng đài "Chuyến tàu tập kết ra Bắc" (Cà Mau); Tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" (Thanh Hóa) và Nhà hát lớn Thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, hai điểm cầu ở Cà Mau và Hải Phòng là những nơi đã chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng này.
Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, đánh dấu mốc một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử, góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Chương trình cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng nhằm ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc với những cống hiến, những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập hạnh phúc và phồn vinh của đất nước. Đồng thời, nêu bật ý nghĩa của sự kiện tập kết ra Bắc, đánh dấu một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Tham dự Chương trình tại điểm cầu Cà Mau có Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến…
Dự Chương trình tại điểm cầu thành phố Hải Phòng ở Quảng trường Nhà hát thành phố có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Tại điểm cầu Thanh Hóa có Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Cà Mau, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa; các nhân chứng lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc và đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các địa phương cùng tham dự chương trình tại các điểm cầu.
Cách đây tròn 70 năm, sau khi Hiệp định Genève được ký kết (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã quyết định đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nhằm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Quyết định đưa cán bộ, chiến sĩ và con em đồng bào miền Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng xây dựng miền Bắc, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam, khẳng định tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà, dân tộc Việt Nam là một.
Tại Cà Mau, điểm cầu chính nơi diễn ra cầu truyền hình là Tượng đài chuyến tàu Tập kết ra Bắc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Chương trình nghệ thuật đã ca ngợi sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Cà Mau, nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc; tạm biệt quê hương, người thân để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến cho ngày nước nhà thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Người ra đi hẹn ngày trở về trong chiến thắng, người ở lại quyết tâm xây dựng vùng căn cứ cách mạng. Cách đây 70 năm, tại nơi đây đã diễn ra sự kiện 200 ngày tập kết để đưa cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra Bắc để sinh sống và học tập.
Bến Sông Đốc giờ đây trở thành di tích lịch sử, ghi dấu một trang sử vàng trong quá trình xây dựng miền Bắc, đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hải Phòng tổ chức cầu truyền hình tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Cuối năm 1954, Hệ thống trường học sinh miền Nam ra đời, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước.
Hải Phòng đón khoảng 15.000 con em miền Nam học tập trong tổng số khoảng 32.000 học sinh miền Nam tập kết ra đất Bắc. Sau quá trình học tập, từ bến tàu 0 số tại Hải Phòng, đã có những "hạt giống đỏ" được ươm trồng trên đất Bắc quay về giải phóng và xây dựng miền Nam.
Giờ đây, nhiều người trong số họ là các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sỹ, doanh nhân có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội. Điều đó đã khẳng định cuộc dịch chuyển học sinh quy mô lớn nhất lịch sử được đánh giá thành công trên cả ba phương diện gồm rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo lâu dài.
Vườn ươm đặc biệt của Bác Hồ và chủ trương của Đảng trong những năm kháng chiến đã gợi mở chiến lược giáo dục và đào tạo của Hải Phòng trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm qua, Hải Phòng luôn nỗ lực là thành phố đi đầu trong giáo dục và rèn luyện các thế hệ tương lai.
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng là một điểm cầu của chương trình kỷ niệm.
Cách đây 70 năm, Thanh Hóa vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng lựa chọn là địa phương đầu tiên ở miền Bắc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết. Địa điểm đón tiếp được đặt tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn). Đây là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa chính trị lịch sử đặc biệt, thiêng liêng và vô cùng cảm động giữa người dân xứ Thanh và những người con miền Nam tập kết ra Bắc.
Ngày 25/9/1954 đã trở thành thời điểm lịch sử không thể nào quên, nhất là khi con tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào cửa biển Lạch Hới - Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng ngàn người dân Thanh Hóa hân hoan chào đón những người con của miền Nam ruột thịt.
Thanh Hóa là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước. Dù còn vất vả, nghèo khó nhưng người dân Thanh Hóa lúc đó đã dành những gì tốt nhất của mình cho đồng bào miền Nam.
Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu chở 47.346 cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc.
Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là nhân dân Sầm Sơn đã tổ chức đón tiếp, chăm sóc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết.
Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra chương trình nghệ thuật trực tiếp tại 3 điểm cầu Cà Mau, Thanh Hóa, Hải Phòng gồm 3 chương. Trong đó, chương 1 với chủ đề "Khát vọng thống nhất" tái hiện lại bối cảnh lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc từ những quyết sách đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc chuyển quân.
Chương 2 "Một dải sắt son" thể hiện tinh thần, trước quyết định tập kết ra Bắc, lượng quân và dân cả nước cùng chung một lòng quyết tâm thực hiện bằng cả trái tim và nhiệt huyết.
Chương 3 "Rạng danh Việt Nam," truyền tải ý nghĩa của sự kiện tập kết ra Bắc đã trở thành bài học lịch sử cho việc xây dựng một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng với đó là phóng sự tổng hợp "Đoàn kết - Sức mạnh xây dựng một Việt Nam vươn mình" cho thấy suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, đoàn kết luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động để giành được thắng lợi vẻ vang. Càng trong khó khăn, gian khổ, sức mạnh đoàn kết càng phát huy giá trị.
Ở những thời điểm khó khăn của đất nước, dân tộc, tinh thần đoàn kết một nhà lại hiển hiện rõ rệt: thời điểm dịch bệnh, đất nước cùng đồng lòng, sẻ chia. Nhân dân miền Bắc một lòng hướng về miền Nam. Bão lũ thiên tai và đặc biệt ở bão số 3 hay bão lũ ở miền Trung vừa qua, nhân dân hướng về người anh em ruột thịt...
Trong phóng sự, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thực hiện thành công mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tổng Bí thư yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu, củng cố phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Thực tiễn lịch sử cho thấy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên sức mạnh to lớn và là cội nguồn của mọi thành công của cách mạng Việt Nam. Chỉ có đại đoàn kết mới có thắng lợi.
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời.
Những giá trị thiêng liêng của sự kiện vẫn còn hiện hữu trên con đường xây dựng sự nghiệp của dân tộc ta đến ngày hôm nay. Chương trình đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, như lời tri ân của thế hệ sau đến thế hệ trước và cũng là một lời nhắc nhở bản thân mỗi cá nhân nỗ lực hơn để cống hiến cho quá trình xây dựng và phát triển của đất nước./.