Con tàu tập kết – Biểu tượng bất diệt của tình đoàn kết dân tộc

Giữa lòng biển cả mênh mông, con tàu tập kết như một dấu ấn lịch sử, ghi khắc những trang vàng hào hùng của dân tộc. Đây là công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn.
con-tau-tap-ket-1-1730040194.JPG
Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và khánh thành khu lưu niệm.

Biển Sầm Sơn với tiếng sóng rì rào hòa quyện cùng gió biển tạo nên một bản giao hưởng trầm hùng, đưa ta trở về những ngày tháng lịch sử của dân tộc. Cách đây 70 năm, tại vùng đất Sầm Sơn này, hàng vạn con tim Việt Nam hướng về miền Bắc với bao hy vọng và ước mơ. Những con tàu cập bến, mang theo bao gương mặt rạng rỡ, nhưng cũng ẩn chứa nỗi niềm xúc động chia ly. Đó là khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ, ghi dấu ấn đậm nét trong tâm khảm của dân tộc.

con-tau-tap-ket-3-1730040333.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh, trình bày diễn văn trong lễ kỷ niệm

Để tưởng nhớ sự kiện trọng đại này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho UBND TP Sầm Sơn xây dựng Khu lưu niệm và biểu tượng con tàu tập kết. Công trình tưởng niệm tại Sầm Sơn sẽ là nơi để các thế hệ mai sau đến tham quan, học hỏi, và cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Giống như ngọn hải đăng ở biển luôn tỏa sáng, nhắc nhở chúng ta về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc.

con-tau-tap-ket-2-1730040419.JPG
Dù trời mưa, nhưng hàng nghìn người dân vẫn kéo nhau đến tham dự Lễ kỷ niệm.

Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn được đầu tư quy mô lớn, với tổng diện tích lên đến 40.000m2. Dự án được chia thành hai khu chính.

Khu A, với diện tích 13.580m2, là tâm điểm của dự án. Tại đây, tượng đài con tàu tập kết ra Bắc sừng sững như một biểu tượng, gợi nhớ về hành trình gian nan nhưng hào hùng của đồng bào miền Nam. Con tàu, được chế tác từ bê tông cốt thép, với chiều cao 12m và diện tích mặt bằng 3.200m2, như một chiếc thuyền lớn vượt qua sóng gió, cập bến bình yên.

Bên trong lòng tàu, du khách sẽ được tham quan một bảo tàng thu nhỏ, nơi trưng bày các hiện vật và tái hiện không gian sống trên những con tàu lịch sử. Phần boong tàu, với hệ thống lan can chắc chắn, là nơi lý tưởng để du khách ngắm nhìn biển cả bao la và hồi tưởng về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.

Khu B, với diện tích 1.985m2, tái hiện một cách sinh động cuộc sống của đồng bào miền Nam khi mới tập kết ra Bắc. Ba lán trại đơn sơ, cùng với những mảng xanh tươi mát, gợi lên hình ảnh một cộng đồng đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Con đường ký ức, uốn lượn qua các khu vực trong dự án, như một dòng chảy thời gian, đưa du khách ngược dòng lịch sử.

con-tau-tap-ket-5-1730040492.jpg
Con tàu, được chế tác từ bê tông cốt thép, với chiều cao 12m và diện tích mặt bằng 3.200m2 (Ảnh Nguyễn Nam)

Ngoài ra, dự án còn bao gồm một công viên chuyên đề rộng 23.865m2, nơi du khách có thể thư giãn và tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa của vùng đất Thanh Hóa.

Những nét chạm tinh tế, chân thực trên bức phù điêu như kể lại câu chuyện về những cái nắm tay siết chặt, những ánh mắt trao nhau đầy tin yêu. Bức tượng người lính trẻ tiễn người đồng đội lên tàu, ánh mắt họ tràn đầy quyết tâm và hy vọng, như khắc họa rõ nét tinh thần đoàn kết của một dân tộc. Những bức tượng đá khắc họa hình ảnh những người dân Sầm Sơn đón tiếp đồng bào miền Nam bằng những nụ cười ấm áp, vòng tay rộng mở, gợi nhớ về tình người sâu sắc.

con-tau-tap-ket-4-1730040563.jpg
Những nét chạm tinh tế, chân thực trên bức phù điêu như kể lại câu chuyện về những cái nắm tay siết chặt (Ảnh Nguyễn Nam)

Họ, những người con đất Việt, dù ở hai miền Nam - Bắc, đều cùng chung một dòng máu, một trái tim. Họ đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ để đoàn tụ, để cùng nhau xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất. Ra đi không phải là chia ly, mà là để trở về, trở về trong vòng tay ấm áp của đại gia đình Việt Nam.

Mảnh đất Sầm Sơn, với lòng nhân hậu và tấm lòng bao la, đã trở thành “quê hương thứ hai” của những người con miền Nam. Nơi đây, họ được đón tiếp, chăm sóc, chở che như những người thân trong gia đình. Tình cảm đó, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của mỗi người, trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trong không khí trang nghiêm diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc" và khánh thành Khu lưu niệm (tối 27/10/2024), ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thay mặt Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đi trước. Bí thư tỉnh ủy cũng nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Bí thư tỉnh Ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Cụm tượng đài Con tàu tập kết như một minh chứng sinh động cho sự phát triển không ngừng của Sầm Sơn. Con tàu bằng bê tông cốt thép, sừng sững giữa trời, với những đường nét mạnh mẽ, như đang vươn mình ra biển lớn, mang theo bao ước mơ, hoài bão của những người con đất Việt. Bức phù điêu hình cánh cung, với những hình ảnh sinh động, đã khắc họa lại một thời kỳ lịch sử hào hùng.

Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc xây dựng và phát triển quê hương. Khu lưu niệm không chỉ là nơi để chúng ta tưởng nhớ công ơn của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn là điểm đến giáo dục truyền thống quý báu cho các thế hệ trẻ. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, khẳng định vị thế của Sầm Sơn trên bản đồ du lịch Việt Nam”./.

Hà Khải