Tượng đài con tàu tập kết tại Sầm Sơn - nơi ghi dấu ấn nghĩa tình Bắc Nam

Tượng đài con tàu tập kết tại Sầm Sơn sẽ khánh thành đúng ngày kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024).
tuongdaicontautapket-1724979160.jpg
Tượng đài con tàu tập kết tại Sầm Sơn sẽ khánh thành đúng ngày kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Tượng đài con tàu tập kết được xây dựng trên quy mô hơn 40.000 m2, do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn gần 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỷ đồng, vốn ngân sách TP Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa khác gần 180 tỷ đồng.

Khu lưu niệm được chia làm ba phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600 m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung.

Cách đây đúng 70 năm, sau Hiệp định Genever 1954, với tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương đón tiếp hàng trăm nghìn cán bộ miền Nam, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết ngay từ những ngày đầu, Trung ương đã giao cho Thanh Hóa xây dựng một bệnh viện tranh tre nứa lá quy mô 800 giường bệnh do Bộ Y tế quản lý, có sự hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ty Y tế Thanh Hóa đã thành lập ở Sầm Sơn một trạm cấp cứu, hai trạm khám sức khỏe ở hai xã Hoằng Lộc, Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa. Bệnh xá ở Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa khám, chữa bệnh cho các đồng chí, đồng bào miền Nam bị thực dân cầm tù, tra tấn ở nhà lao Chí Hòa và chữa bệnh cho các cháu thiếu nhi ra Bắc học tập.

Ngày 25/9/1954, tại bến Sầm Sơn (nay là cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn) rực rỡ cờ hoa chào đón chiếc tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào giữa tiếng hoan hô vang dậy của đồng bào Thanh Hóa đón những người con miền Nam ruột thịt ra Bắc tập kết. Đưa một số lượng rất lớn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc tập kết là các chuyến tàu biển rất lớn của Liên Xô và Ba Lan. Các tàu này không cập được bến Sầm Sơn, phải đậu cách xa đất liền vài cây số. Vì vậy, địa phương phải huy động, sử dụng các loại tàu, thuyền nhỏ để đưa đồng bào vào bờ.

Có những chuyến tàu mất hai ngày mới chở hết đồng bào vào đất liền. Trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), toàn tỉnh đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Sau khi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam lên bờ được ban đón tiếp và Nhân dân đưa vào các lán trại được chuẩn bị sẵn để nghỉ ngơi, chăm sóc, nhiều khi lán trại không đủ, Nhân dân Quảng Tiến đưa đồng bào về gia đình mình để chăm sóc. Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là Nhân dân Sầm Sơn, mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Các cháu thanh, thiếu nhi được được giao nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ hậu cần, tổ chức văn nghệ, công tác y tế, giáo dục, an ninh được đảm bảo./.

Hà Khải