Dự án VIBE do Cơ quan hợp tác phát triển Ai-len (Irish Aid), Đại sứ quán Ai-len tài trợ dưới sự hợp tác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Cork - Ailen. Dự án đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu cho cán bộ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam. Trong đó, có những hoạt động đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản tại tại Việt Nam, đặc biệt là chuỗi giá trị sữa bò.
Chăn nuôi bò sữa ở thị xã Duy Tiên đang phát triển khá nhanh, với tổng đàn khoảng 2.600 con, chiếm hơn 60% số lượng bò sữa của tỉnh. Tuy nhiên, do công tác thú y chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng bò sữa bị chết hàng năm lên đến hơn 10%, thiệt hại rất lớn cho hộ chăn nuôi. Việc thụ tinh nhân tạo cho bò sữa tỷ lệ đạt còn thấp, có con bò sữa phải thụ tinh 4 – 5 lần mới đạt, vấn đề quản lý các hoạt động trong trang trại còn có nhiều bất cập, khó tăng năng suất và sản lượng sữa, kiến thức thị trường còn nhiều hạn chế, bà con chủ yếu vẫn chăn nuôi theo kinh nghiệm.
Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ngày 17/4/2022, nhóm giảng viên bao gồm PGS. TS. Trần Hữu Cường, PGS. TS. Bùi Thị Nga, ThS. Lê Thị Thanh Hảo, ThS. Vụ Thị Hằng Nga đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam và TS. Nguyễn Văn Phương đến từ Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội đã tổ chức tập huấn nội dung về "Quản lý trang trại và marketing" cho bà con chăn nuôi bò sữa tại thị xã Duy tiên, tỉnh Hà Nam. Lớp tập huấn thu hút hơn 50 nông dân tham dự, phần lớn đến từ xã Trác Văn và Chuyên Ngoại.
Để tập huấn hiệu quả, các giảng viên đã sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại với việc sử dụng công cụ giảng dạy theo phương pháp Đánh giá Nông thôn có sự tham gia (Participatory Rural Appraisal - PRA), đây là một trong các phương pháp tiếp cận để thiết kế, thực hiện, theo dõi và đánh giá nhanh trong Nông nghiệp, Nông thôn nhằm tạo ra sự chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm được tiến hành trong cộng đồng, có tính tập trung, hệ thống, bán cơ cấu, trong một thời gian ngắn. Từ đó, các kinh nghiệm thực tế của chính bà con được đúc kết lại và chia sẻ trong lớp học với chính những người hàng xóm của mình.
Lớp tập huấn được chia ra thành các nhóm thảo luận theo cây vấn đề. Mỗi nhóm sẽ có một giảng viên giám sát, thúc đẩy và hỗ trợ nhóm thảo luận để giải quyết các vấn đề của nhóm. Nhờ vậy, các vẫn đề xảy ra phổ biến trong chăn nuôi bò sữa sẽ được đưa ra thảo luận và giải quyết với phương án tối ưu nhất. Tiếp theo, các giải pháp được trình bày và đem so sánh kết quả với các nhóm khác. Qua đó, tạo ra một bộ giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị trang trại bò sữa phù hợp với điều kiện của địa phương
Trong suốt quá trình học hỏi, nhiều nông dân đã đưa ra rất nhiều tình huống đã và đang diễn ra tại trang trại bò sữa của mình. Các tình huống được mổ sẻ, tìm ra những khó khăn, thách thức và đề ra các phương án giải quyết khả thi và nhân rộng các phương pháp quản lý trang trại một cách khoa học và hợp lý hơn.
Câu chuyện làm sao để tăng thu nhập từ đàn bò hiện có của bà con được đưa ra bàn luận rất sôi nổi. Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện và triển khai các hoạt động chăn nuôi, vệ sinh, vắt sữa để đảm bảo chất lượng sữa được đưa ra thảo luận. Từ đó, các giải pháp khả thi được các giảng viên và bà con đưa ra nhằm gia tăng sản lượng và chất lượng sữa trên cơ sở đàn bò hiện tại.
Kết thúc buổi tập huấn, nhiều bà con đánh giá cao kết quả đạt được và phương pháp giảng dạy gần gũi và thúc đẩy bà con tham gia xây dựng bài. Nhiều nông dân bày tỏ nguyện vọng, cần có thêm nhiều lớp tập huấn từ các nhà khoa học đến chia sẻ kiến thức giúp đỡ bà con giải quyết những khó khăn thực tại các trang trại. Những khó khăn này không chỉ bao gồm cả lĩnh vực quản lý, thị trường, mà còn các khó khăn liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi, thú y, bảo quản. Giải quyết được những khó khăn này cũng chính là góp phần giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người nuôi bò tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nay...