Nghệ An: Giá phân bón tăng cao, nông dân chật vật chăm sóc cây trồng vụ Xuân

Trong vòng 1 năm qua, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục điều chỉnh tăng, có những loại tăng gấp đôi đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp lên cao. Trong khi đó, giá nông sản không tăng, thậm chí một số nông sản ế ẩm nên nông dân gặp không ít khó khăn. Hiện, các loại cây trồng vụ Xuân đang thời kỳ chăm sóc đặc biệt để sinh trưởng, nông dân chật vật để thích ứng…

Giá phân bón tăng cao nông dân chật vật với vụ Xuân

my-1-1651103098.jpg
Giá phân bón tăng cao, nông dân Quỳnh Lưu tiết giảm lượng đạm khi bón thúc cho hành lá.

Vụ Xuân năm nay, gia đình anh Nguyễn Sỹ Cương (xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc) làm gần 2 mẫu lúa từ đất đấu thầu và mượn lại của dân. Với diện tích sản xuất này, anh Cương phải đầu tư gần 10 triệu đồng mua Đạm, lân, ka li, thuốc bảo vệ thực vật để bón, phun trừ sâu bệnh cho cây lúa. Chi phí tăng gần 4 triệu đồng so với vụ Xuân năm trước - một khoản chi phí gia tăng khá lớn đối với người nông dân.

Anh Cương cho biết: “Giá phân bón hiện nay quá cao, gây không ít khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất. Do đó, gia đình phải đang tính toán giảm một phần phân bón dù biết là ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây lúa vào cuối vụ. Bù lại, chúng tôi đã liên hệ với các trang trại trên địa bàn mua phân bò, phân gà về ủ hoai để bón cho lúa thay cho các loại phân bón vô cơ”.

HIện, huyện Quỳnh Lưu có diện tích chuyên canh rau màu hàng hóa lớn tập trung tại các xã bãi ngang ven biển với hơn 700 ha. Thời gian qua, giá phân bón tăng cao đã tác động đến quá trình sản xuất của nông dân.

my-4-1651102885.jpg
Nhiều cơ sở cung ứng hỗn hợp mùn cưa, xơ dừa… để ủ phân vi sinh.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Quỳnh Lương trồng 4 sào rau màu; trong đó, 2 sào hành hoa và 2 sào cà chua. Cùng thời điểm năm ngoái, với 4 sào rau, gia đình chị chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng cho các loại phân bón thì nay ước tính phải chi gần 1,5 triệu đồng. Do giá phân bón tăng cao nên vụ này, chị đã giảm lượng phân bón so với trước đây. “Giá phân bón tăng cao, trong khi giá rau màu lại không tăng, thậm chí có một số loại rau mất giá, không bán được. Do đó, gia đình tôi đã chủ động cân đối lượng phân bón hóa học, sử dụng dè chừng; đồng thời tiếp cận để chuyển sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm đảm bảo sản xuất, tránh thua lỗ trong những vụ rau tới”, chị Hồng cho biết.

Theo khảo sát, vụ Xuân này, giá phân bón tất cả các loại đều tăng so với vụ Xuân trước. Đỉnh điểm, giá Đạm đang dao động ở mức 18 – 20 nghìn đồng/kg (tùy loại), cao gấp 2 lần vụ xuân trước, 1,5 lần so với vụ mùa; phân tổng hợp NPK bón lót tăng 30%, bón thúc tăng 55%; lân, kali tăng 50%. Như vậy, tính chung các loại phân bón nếu người dân bón đủ lượng sẽ tăng trên 50% so với vụ xuân trước.

Đồng hành cùng người dân thích ứng biến động thị trường...

Để thích ứng với biến động thị trường, nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất để giảm bớt chi phí đầu tư. Thay vì sử dụng phân bón hóa học thì nhiều hộ đã chuyển sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ.

Anh Trần Văn Nhâm, chủ một trang trại chăn nuôi tổng hợp ở xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương) cho biết: “Từ đầu vụ Xuân đến nay, tôi xuất bán cho người dân trong vùng hàng chục tấn phân gia súc, gia cầm. Nhu cầu mua phân chuồng để bón cho cây trồng tăng cao khi giá phân bón hoá học leo thang. Hầu hết, nông dân mua về bón trực tiếp hoặc dùng chế phẩm vi sinh để ủ rồi đem bón”.

my-3-1651102931.jpg
Nhiều trang trại chăn nuôi cung ứng lượng lớn phân gia súc cho nông dân.

Trước nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc cho cây trồng tăng, nhiều địa phương đã mở các lớp tập huấn về phương pháp ủ phân vi sinh cho nông dân, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân Tân Kỳ cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã mở được các lớp tập huấn ủ phân hữu cơ vi sinh với hàng nghìn hội viên tham gia. Đồng thời, nhân rộng các mô hình canh tác hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thay vào đó là dùng phân chuồng, phân xanh, bã mía, xơ dừa và các chế phẩm sinh học thay thế. Điển hình như ở các xã: Tân An, Tân Phú… Bước đầu, người dân đã hạn chế được việc lạm dụng phân đạm hoá học, thích ứng sản xuất hữu cơ, tiết giảm chi phí sản xuất”.

Các địa phương cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các HTX tăng cường các dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...; Hội Nông dân triển khai dịch vụ cung ứng phân bón trả chậm cho bà con nông dân; chỉ đạo các địa phương mở rộng các mô hình liên kết cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.

my-2-1651102995.jpg
Nhiều người sử dụng chế phẩm sinh học để phun bón cho cây trồng thay thế phân bón hoá học.

Bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trong quá trình chỉ đạo sản xuất tại các địa phương, phòng đã kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả và tiết kiệm phân bón. Khi xây dựng lịch thời vụ, chúng tôi tập trung chỉ đạo sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất, mở rộng diện tích máy cấy, cấy, giảm tỷ lệ gieo thẳng để giảm sâu bệnh hại, tăng khả năng sinh trưởng, phát triển lúa, tăng năng suất và giảm chi phí đầu vào. Song song với đó là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ ở từng giai đoạn thích hợp để cải tạo và tăng độ màu mỡ cho đất, kết hợp với hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để tăng hiệu quả sử dụng phân bón”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, ngành chức năng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón để kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa, phát hiện hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng.

Mỹ Hà