Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt được nhiều tín hiệu khả quan từ thị trường. Điều đáng nói, dù số lượng xuất khẩu giảm, nhưng giá trị lại tăng.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 10 năm qua đều có sự tăng trưởng về cả sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đáng chú ý, năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam là trên 285.000 tấn, kim ngạch mang về là hơn 660 triệu USD. Đến năm 2021, lượng xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 260.000 tấn, tuy nhiên kim ngạch lại tăng vọt lên 950 triệu đô la Mỹ, giảm khoảng 9% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị.
Ngoài Mỹ là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, các thị trường quan trọng khác như EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực.
Hồ tiêu Tây Nguyên năm nay bị mất mùa do tác động của thời tiết dẫn đến nguồn cung giảm là một trong những lý do hồ tiêu có được giá tốt. Vì vậy nhiều nông dân trồng tiêu đang kỳ vọng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
"Người dân đang có xu hướng chờ giá lên, bán còn hạn chế, Bên đại lý thì thời điểm này cũng đang ít hàng", ông Nguyễn Văn Trường, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, cho biết.
"Quá trình giãn cách xã hội của các nước tiêu thụ tại Mỹ, châu Âu trong thời gian vừa qua dẫn đến hàng tồn kho của các nước tiêu thụ vẫn còn", ông Nguyễn Văn Quyến, Đại lý thu mua Văn Quyến, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá tiêu khó có thể trở lại mức cao kỷ lục là 200.000 đồng/kg như trước đây, nhưng với mức giá hiện tại, ngành hồ tiêu vẫn có cơ hội sớm lấy lại vị thế xuất khẩu tỷ USD. Vì vậy, ngay trong vụ thu hoạch này, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây nguyên tiếp tục khuyến cáo nông dân quan tâm đến khâu thu hoạch, canh tác theo các chứng nhận và thực hành nông nghiệp tốt để giữ vững chất lượng, giá trị hồ tiêu khi xuất khẩu.
Mới đây, tham gia đoàn công tác do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ngay những ngày đầu năm 2022, ông Phạm Hoàng Vũ - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sybil Agri Việt Nam - đã chốt ký được hợp đồng xuất khẩu 10 tấn hồ tiêu, đồng thời đang tiếp tục thương lượng khâu cuối về điều khoản thanh toán cho 3 hợp đồng xuất khẩu 1 container hoa hồi, 1 container hỗn hợp các sản phẩm hồ tiêu, cơm dừa, hạt điều, và hợp đồng cung cấp tiêu nguyên năm với số lượng lên tới 500 tấn tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Theo Bộ Công Thương, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã thích nghi và tìm ra phương án xúc tiến thương mại phù hợp, hiệu quả, nên xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, hồ tiêu nói riêng sẽ có nhiều đột phá trong năm 2022 này.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận định: Năm 2022, giá xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, doanh nghiệp được hưởng lợi từ yếu tố này dù số lượng hồ tiêu xuất đi có thể giảm sút (giả thiết).
Dự báo về triển vọng xuất khẩu hồ tiêu trong năm 2022, VPA lạc quan xuất khẩu hạt tiêu sẽ bật tăng ngay từ quý I/2022 bởi ước tính nhu cầu thu mua trên thế giới khoảng từ 130.000-160.000 tấn, trong khi tổng sản lượng thu hoạch của Việt Nam cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn. Hơn nữa, chất lượng hồ tiêu đang được cải thiện và VPA đang hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng mỗi năm mang về trên 3 tỉ USD này.