Cần có bước đi đột phá, quyết liệt hơn trong tăng trưởng xanh

Để phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh. Nhằm hiện thực hoá mục tiêu này các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có bước đi đột phá hơn trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất để giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên.
chuyen-doi-xanh-02-1708234883.jpg
Tăng trưởng xanh cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp phải linh hoạt thích nghi chuyển đổi xanh

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, khó lường đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược thích nghi, linh hoạt và phát triển một cách bền vững.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam cho biết, phát triển bền vững sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển lâu dài. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy, kinh doanh tạo ra những giá trị mới không chỉ về kinh tế, mà kinh doanh còn tạo ra những giá trị nhân bản về mặt xã hội và kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.

"VCCI đã đưa ra một bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững, đây là một bộ chỉ số đầu tiên ở Việt Nam để đo lường tính bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể soi vào đó để thấy mức độ bền vững của mình trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực về xã hội, môi trường như thế nào… Do đó, danh nghiệp nếu muốn phát triển một cách bền vững, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất của mình cần phải thực hiện theo xu thế đó" - ông Vinh cho biết.

chuyen-doi-xanh-01-1708234872.jpg
Chuyển đổi xanh chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng xanh cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược này, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa đưa kinh tế xanh đạt được mốc 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Với tiềm năng, vị thế kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình. Cùng với đó, Việt Nam cần có những bước đi đột phá quyết liệt hơn, trong đó cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất để giúp Việt Nam kích hoạt các lợi thế tự nhiên. Từ đó vươn lên trở thành một nước phát triển trên cả 3 yếu tố là: Môi trường, kinh tế, xã hội, 3 nội dung này phải phát triển hài hòa và cân bằng".

Phát huy hiệu quả cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Đến nay, trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng và ban hành lộ trình, kế hoạch hành động chuyển đổi xanh, tuần hoàn. Đề cập đến cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp và thương mại xanh của Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững;

Sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp; khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, tạo dựng văn hoá trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.

chuyen-doi-xanh-03-1708234938.jpg
Cần có chơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương thực hiện chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu đến năm 2030 đó là sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát thải tác động đến môi trường. Theo đó, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng, thách thức và tiềm năng để chuyển đổi xanh như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thuỷ sản; năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoá chất, quản lý chất thải, lĩnh vực hỗ trợ thực hiện kinh tế tuần hoàn…

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, vì thế Bộ Công Thương đã nhận thức rõ ba việc cần phải làm để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương thực hiện.

Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền của sự cần thiết chuyển đổi xanh tới cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là, đề xuất kiến nghị các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiêp ngành hàng, địa phương để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của chuyển đổi xanh; hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh trong thương mại, công nghiệp, nhằm khuyến khích các ngành hàng chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các yêu cầu.

Ba là, nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế chính sách về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương mà Chính phủ, các Bộ ngành đề ra./.

Trọng Bình