Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững", Quốc hội quyết định việc tìm kiếm một không gian, dư địa mới để đẩy nhanh tiến độ phục hồi, phát triển bền vững trong thời gian tới. Do đó, Hà Nội cũng cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa để thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi kinh tế.
* Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm túc của cả hệ thống chính trị, số người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực an sinh xã hội ngày càng tăng. Từ đầu tháng 7/2021 đến đầu tháng 12/2021, các cơ quan chức năng đã quyết định hỗ trợ an sinh xã hội theo các chính sách của Trung ương và đặc thù của thành phố cho hơn 5,152 triệu lượt đối tượng với kinh phí hơn 6.130 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội được triển khai với 8 nhóm đối tượng; trong đó có hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19... Đến nay, các chính sách này đã đến với hơn 1,555 triệu lượt người, gia đình... với kinh phí trên 700 tỷ đồng.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng rất nặng nề, số doanh nghiệp này chiếm 98,2% trên tổng số 318.000 doanh nghiệp của thành phố. Nhờ Chính phủ, Thành phố Hà Nội đồng hành, hỗ trợ, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp ổn định việc làm, thu nhập, đảm bảo an sinh cho người lao động…
"Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện. Kết quả cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Các chính sách hỗ trợ người lao động là nguồn động viên hỗ trợ kịp thời và thực tế đi vào cuộc sống, được người lao động đánh giá cao", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
* Khoảng cách giữa chủ trương và thực tế
Theo đánh giá của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để tăng hiệu quả thụ hưởng.
Trước khó khăn chồng chất bởi dịch COVID-19, đặc biệt là dòng tiền cạn kiệt, cộng đồng doanh nghiệp tha thiết mong muốn Chính phủ sớm có hỗ trợ lãi suất trực tiếp (4%/năm) và nới điều kiện vay để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Mặc dù, các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5%/năm cùng một số gói tín dụng ưu đãi khác nhưng mức giảm này không đáng kể so với thiệt hại và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng ưu đãi nào khác.
Ông Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Thảm Nam Bình cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, nếu doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm. Chỉ khi nào gỡ được khó khăn này mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng - ông Nam bày tỏ.
Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội, những chính sách về thuế và tín dụng đã tác động lớn và giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh; trong đó, nhóm giải pháp có thể tự thực hiện, áp dụng đồng loạt và không thông qua thực thi của bộ máy các cấp sẽ tiếp cận được với doanh nghiệp nhanh hơn.
"Quan ngại lớn nhất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chính là những khó khăn do bị thu hẹp thị trường. Sự cạn kiệt các nguồn vốn, tín dụng do chi phí sản xuất tăng cao, gánh nặng về việc xét nghiệm và đảm bảo đời sống cho người lao động khi thực hiện các yêu cầu như "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến"... khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn khó. Đây chính là những thách thức cho việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh kể cả đối với doanh nghiệp quy mô lớn. Do đó, cần quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm thích nghi trong điều kiện mới" - ông Thắng phân tích.
Các doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì điều kiện đi kèm khó thực hiện như quy định về số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp... Đặc biệt, việc vay vốn với lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
* Nhiều dư địa để cải thiện chính sách
Trên thực tế, các gói chính sách của Chính phủ và thành phố Hà Nội về tài khóa phản ứng khá nhanh và được áp dụng ngay. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì vẫn phải nộp.
Các giải pháp về miễn, giảm thuế được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 thì chỉ mới mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây cũng là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống. Đa số doanh nghiệp đánh giá các chính sách được ban hành là hữu ích nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho thấy, phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; trong đó họ mong muốn Chính phủ, thành phố Hà Nội tiếp tục có giải pháp tập trung vào nhóm vấn đề chính như: miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh; có giá cho thuê ưu đãi, chương trình hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp làng nghề để thu hút nhóm này đưa nhà máy sản xuất vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, đào tạo, đào tạo lại, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động (ưu tiên tiêm vaccine nhanh nhất có thể cho đối tượng này); lãi suất cho vay tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với phương án kinh doanh của các doanh nghiệp (các điều kiện cho vay về tài sản đảm bảo cần có phương án phù hợp hơn).
Cùng đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm lãi suất, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số./.