Để tháo gỡ khó khăn cần mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp

Đây là ý kiến của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - TS. Trần Thị Hồng Minh tại Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tạp chí Diễn đàn dDoanh nghiệp tổ chức ngày 19/7 mới đây.

Theo số liệu của VCCI, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm kéo dài sự không thuận lợi từ cuối năm 2022 trước đó. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).

Tính chung 6 tháng đầu, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ 2022.

Tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn: ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn... Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...

Trước tình hình đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Đồng thời, theo Phó Chủ tịch VCCI, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về lượng và chất, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

9787e2398372502c0963-1689760252.jpg
Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp". Ảnh: Hương Lan

Còn đối với VCCI, để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, VCCI đã đề xuất một số giải pháp lớn cần thực hiện. Cụ thể, thứ nhất, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; Thứ hai, tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước; Thứ ba, cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực; Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo; Thứ năm, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, chỉ có doanh nghiệp mới biết doanh nghiệp cần gì nhất. Và chính cộng đồng doanh nghiệp cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thành công.

Còn theo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cần mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần những chính sách căn cơ, lâu dài. Bởi, nếu không có cơ chế vận hành thể chế tốt, sẽ khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua một luật sửa 8 luật, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng có sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp, những sửa đổi trước đó dường như chưa đủ, cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Nếu xử lý được câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay, nền kinh tế sẽ có thể phát triển.

Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Ở thời điểm khó khăn về thị trường, cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Trong những khó khăn trên, doanh nghiệp gặp khó nhất là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thiết thực hiện cải cách thể chế. Ông Phan Đức Hiếu lưu ý: Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật.

Tuy nhiên, cải cách thể chế hiện nay đang đối mặt với 4 thách thức. Đó là cắt giảm chi phí tuân thủ từ những quy định hiện hành; lo lắng chi phí mới sẽ phát sinh từ quy định đang dự thảo và sẽ ban hành như định mức tái chế, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt… Những chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí kinh doanh như thuế cácbon; các nước trong khu vực đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ, tăng lợi thế cạnh tranh.

Trước thực tiễn trên, ông Hiếu đề xuất cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu có thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp không bị động khi áp dụng. Có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp trong tuân thủ quy định như phòng cháy chữa cháy, kiểm đếm CO2… theo đúng địa điểm, đúng nhu cầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật. 

Cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đặc biệt, về lâu dài, nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Bên cạnh đó, đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên.

Đông Nghi