Người tiêu dùng trước nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp lo mất thị trường và tồn kho
Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại.
Năm 2023, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Dự báo, trong những năm tới, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Đặc biệt, trong thời gian qua các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein... ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam. Mặc dù vừa mới xuất hiện nhưng sàn thương mại điện tử Temu đã gây xôn xao thị trường tiêu dùng Việt Nam với mức giá hàng hóa rẻ hơn 70% so với mặt bằng chung, bước đầu gây tâm lý lo ngại hàng hóa từ các sàn giao dịch xuyên biên giới ồ ạt vào nước ta sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa, làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hoạt động của các sàn thương mại điện tử sẽ gây khó khăn về tốc độ bán hàng, mất thị trường và tồn kho cho các doanh nghiệp Việt.
Theo Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, không chỉ gây trở ngại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trong ngắn hạn, hoạt động các sàn thương mại điện tử sẽ gây khó khăn về tốc độ bán hàng, mất thị trường và tồn kho cho các doanh nghiệp dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Lượng hàng tồn kho sẽ nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, vấn đề nữa là sẽ ảnh hưởng tốc độ bán hàng và chiếm lĩnh thị trường vì khi mà tốc độ ảnh hưởng như vậy chúng ta thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp của sản xuất của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Trước thì mức lợi nhuận có thể 10-20% nhưng để cạnh tranh với những Sàn thương mại điện tử lớn, với quy mô lớn với tính chất toàn cầu thì lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất chắc chắn là sẽ bị giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế, không thể cấm các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới bán hàng tại Việt Nam, vì đây là xu thế của thế giới hiện đại và chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Điều quan trọng là Nhà nước cần phải có các chế tài, giải pháp kiểm soát sàn thương mại điện tử mang tính đồng bộ, để đảm bảo các hoạt động trên sàn thương mại điện tử diễn ra an toàn, hiệu quả, minh bạch và đúng pháp luật quy định.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân đề xuất, cần có các giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cũng cần tự mình không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường: "Chúng ta phải hành động và phải nhìn thấy rõ đây là một tác hại rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam chúng ta, để chúng ta có một ứng phó đúng mực về những hàng rào về thương mại, rào cản về vấn đề thuế, rào cản về chất lượng chúng ta cần phải đặt ra. Song song với đó là phải đảm bảo sự minh bạch sự công bằng cho những nhà sản xuất kinh doanh trong nước, điều này không có nghĩa là chúng ta ngăn cấm thương mại điện tử, mà ở đây là để chúng ta đảm bảo được môi trường pháp lý nó minh bạch và công bằng hơn".
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử
Trước tình hình đó, nhằm phát triển hoạt động thương mại điện tử lành mạnh, bền vững, Bộ Công Thương đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua năm 2023. Bộ Công Thương cũng đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật. Hai văn bản trên đã bổ sung trách nhiệm của các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng số có số lượng lớn người dùng tại Việt Nam trong việc kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo…; đồng thời bổ sung trách nhiệm liên đới của người có ảnh hưởng trong việc giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Một số mục tiêu cụ thể được đề ra tại Đề án như: 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhằm hỗ trợ người dân trong công tác tiếp nhận, xử lý khiếu nại, Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành cơ chế tiếp nhận kiến nghị và phản hồi trực tuyến đối với người tiêu dùng thông qua Cổng Thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (www.online.gov.vn) và Tổng đài bảo vệ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương và 52 tỉnh, thành phố theo đầu số miễn cước 1800.6838 từ năm 2015 để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các vấn đề phát sinh của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y Tế, Bộ Thông tin và truyền thông, v.v… đăng tải các thông tin, bài viết bao gồm các hướng dẫn về các quy định mới, các thông báo, yêu cầu rà soát, gỡ bỏ sản phẩm, thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng, các bài báo tuyên truyền, phổ biến về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc nắm bắt và phòng tránh các nguy cơ lừa đảo, và bảo vệ mình trước thủ đoạn của các đối tượng vi phạm pháp luật./.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều ngày 9/11, trả lời câu hỏi về việc quản lý các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ đã làm việc với cơ quan pháp lý của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới trên.
Các sàn được yêu cầu khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024. Trong thời gian triển khai đăng ký, sàn phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký. Cùng với đó, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho hay, Bộ Công Thương yêu cầu các sàn này khẩn trương nghiên cứu các pháp luật khác có liên quan đến thương mại điện tử như hải quan, thuế. Các sàn Shein và Temu đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và trong tháng 11/2024, hai sàn này sẽ đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Sau thông báo, nếu các sàn này không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép", ông Long nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát các quy định có liên quan, kiến nghị Chính phủ về các khuôn khổ quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.