Quản lý thuế chặt chẽ, minh bạch và công bằng đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu

Tổng cục Thuế khẳng định cam kết quản lý thuế chặt chẽ, công bằng và minh bạch đối với tất cả các sàn thương mại điện tử, cả trong nước và xuyên biên giới, hoạt động tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, trong đó có sàn Temu. Tổng cục Thuế khẳng định, việc quản lý này được thực hiện chặt chẽ, minh bạch và công bằng, tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

quan-ly-thue-san-thuong-mai-dien-tu-3-1730531910.jpg
Việc quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới được thực hiện chặt chẽ, minh bạch và công bằng, tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.(Ảnh minh họa)

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP), hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử phải được cấp phép bởi Bộ Công Thương và chịu sự quản lý nhà nước.

Về mặt thuế, các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là trên nền tảng số, được quản lý theo Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm tự đăng ký, tự tính, tự khai và tự nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Cổng thông tin điện tử này đã được Tổng cục Thuế triển khai dành riêng cho Nhà cung cấp nước ngoài từ năm 2022.

Đối với các Nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu phát sinh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký thuế, Cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp khai báo doanh thu không chính xác, cơ quan thuế sẽ đối chiếu dữ liệu, yêu cầu Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ và tiến hành thanh tra, kiểm tra nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

quan-ly-thue-san-thuong-mai-dien-tu-4-1730531945.jpg
Hoạt động kinh doanh sàn TMĐT là hoạt động phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế thừa nhận hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới là lĩnh vực mới, có nhiều điểm khác biệt so với hoạt động kinh doanh truyền thống. Để quản lý hiệu quả, Cơ quan Thuế đã và đang tích cực tham mưu, đề xuất các cơ sở pháp lý và liên tục hoàn thiện hệ thống quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Việc này bao gồm việc đánh giá thực tiễn, sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như Nghị định số 123/NĐ-CP về hóa đơn.

Trường hợp của Temu, Tổng cục Thuế xác nhận sàn thương mại này thuộc sở hữu của Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, đã đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài vào ngày 4/9/2024 và được cấp mã số thuế: 9000001289.

Theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai thuế từ quý 3 (hạn chót 31/10), bao gồm doanh thu từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nộp thuế thực tế sẽ phụ thuộc vào thời điểm được cấp phép hoạt động từ Bộ Công Thương và dự kiến sẽ kê khai doanh thu vào quý 4, nộp thuế vào ngày 31/1/2025.

quan-ly-thue-san-thuong-mai-dien-tu-1-1730531892.jpg
Tổng cục Thuế xác nhận sàn thương mại Temu đã đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Thuế khẳng định cam kết quản lý thuế chặt chẽ, công bằng và minh bạch đối với tất cả các sàn thương mại điện tử, cả trong nước và xuyên biên giới, hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, ngành Thuế cũng tăng cường công tác tuyên truyền chính sách thuế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam./.

Temu là nền tảng TMĐT xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013 ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021). Ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật TMĐT Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Trước việc thời gian gần đây, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, như: Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động trái phép.

PV