Chộn rộn làng hoa
Với vườn đào gần 1.500 gốc, những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (xóm Đồng Bản, xã Kim Thành, Yên Thành) đang huy động nhân lực để vun luống, xới đất quanh gốc, bón thêm chất dinh dưỡng, quét vôi cho gần các gốc đào để sang tháng 11 âm lịch sẽ tuốt lá cho cây. Năm nay, thời tiết thất thường, mưa nhiều hơn và rét cũng chậm hơn nên anh phải “căn” chừng thời gian để có cách kích đào ra hoa đúng dịp Tết. Anh Sơn cho biết: “Trồng đào lâu năm, có kinh nghiệm nhưng không phải năm nào trời cũng chiều long người. Có những năm, chớm đông rét đậm, tuốt lá sớm, kích rễ sớm nhưng cận Tết, trời nắng nóng, hoa nở bung, đào mất giá. Năm nay, cũng vừa thực hiện chăm đào ra hoa Tết nhưng cũng canh chừng xem thời tiết thế nào”.
Kim Thành được coi là vựa đào phai lớn ở Nghệ An với khoảng 30ha đào được trồng ở vườn đồi và đất trồng màu. Hàng chục năm nay, trồng đào bán Tết được coi là “nghề phụ, thu nhập chính” của người dân nơi đây. Trung bình mỗi vụ Tết, các hộ dân trồng đào ở xã Kim Thành thu nhập từ 30 triệu đồng đến 120 triệu đồng. Thời điểm này cũng là lúc tất bật nhất của các hộ làng nghề hoa, cây cảnh ở Nghi Ân, Nghi Liên (TP.Vinh). Những năm gần đây, vừa trồng các loại hoa để bán Tết thì người dân các làng nghề chuyển sang kinh doanh hoa cây cảnh. Theo đó, trước Tết chừng 1-2 tháng, các hộ làm nghề đã dồn vốn liếng, đánh xe tải đi các tỉnh Bình Định, Đà Lạt… nhập về các loại cây cảnh như sanh, si, bonsai… chăm sóc, tỉa, tạo dáng và xuất sỷ ra thị trường.
Đây cũng là dịp bận rộn nhất của các hộ chuyên trồng, chăm sóc, kinh doanh cây cảnh ở các làng nghề. Anh Hoàng Tín, chủ hộ kinh doanh cây cảnh ở làng Trung Liên, xã Nghi Liên (TP.Vinh) cho biết: “Cuối năm, nhu cầu chăm sóc, chỉnh trang vườn tược, trồng thêm cây cảnh, hoa, trang trí tiểu cảnh… tăng nên những người làm dịch vụ như chúng tôi rất nhộn việc, tiền công cũng cao hơn, khoảng 300.000 đồng - 500.000 đồng/ngày”.
Thơm nồng rượu men lá bản Xiềng
Những ngày này, làng nghề nấu rượu men lá bản Xiềng (xã Đôn Phục, Con Cuông) tất bật vào vụ Tết. Thời điểm này, vào bất cứ nhà nào trong làng cũng bắt gặp cảnh người dân đang chẻ củi, đắp lò, đỏ lửa suốt ngày để chưng cất rượu phục vụ dịp Tết. Bình quân ngày thường cả làng sản xuất 200-300 lít rượu, còn dịp Tết sản lượng tăng lên 600 – 800 lít/ngày. Bà Vi Thị Hồng, một hộ chuyên nấu rượu ở bản Xiềng chia sẻ: “Một ngày lò nấu (4 bếp) của tôi chưng được 30 lít rượu nếp men lá. Rượu chưng xong, trút vào chum sành, bịt kín bằng lá chuối khô, bên ngoài buộc chặt bằng ni lông để vào kho hoặc hạ thổ để khử độc, sau 15-20 ngày mới giao cho khách”. Hiện nay, 42 hộ làm nghề nấu rượu men lá ở 2 tổ sản xuất rượu tại bản Xiềng đã nhận được đơn đặt hàng từ khắp nơi trong nước.
Ông Lữ Ngọc Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục cho biết: “Làng nghề rượu men lá bản Xiềng là nghề truyền thống bao đời nay của đồng bào Thái nơi đây. Rượu men lá bản Xiềng được nấu thủ công, men nấu được làm từ 22 loại lá rừng là các vị thuốc khác nhau. Đặc tính cảu rượu men lá là uống êm, ngọt hậu và không gây đau đầu. Tết được coi là vụ sản xuất cao điểm trong năm của các hộ làng nghề. Rượu chủ yếu được các tư thương thu mua nhập cho các nhà hàng, các mối hàng quen ở thành phố Vinh và Hà Nội. Đã từ lâu, rượu men lá bản Xiềng trở thành một thứ đồ uống rất riêng của đồng bào miền núi, một thức quà Tết đặc trưng được nhiều người lựa chọn”.
Làng biển Cửa Lò chuẩn bị hàng Tết
Liên tiếp 2 năm liền, những người dân làng nghề chế biến hải sản ở TX. Cửa Lò gặp khó khăn khi dịch Covid 19 bùng phát, hải sản tồn kho, ế ẩm. Sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách, trở về trạng thái bình thường mới, hàng hoá lưu thông, thị trường hải sản ấm dần lên nên người dân làng nghề rất phấn khởi. Cận Tết, mặt hàng hải sản khô cũng như ruốc, nước mắm bắt đầu tiêu thụ mạnh, người dân làng nghề lại tất bật chuẩn bị các món ngon từ biển để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ chuyên sản xuất nước mắm ở làng nghề Bình Minh (phường Nghi Thuỷ) cho biết: “Các chượp ướp ủ nước mắm đã hơn hơn một năm nay, giờ là lúc lọc, chiết nước mắm sang chum sành, đóng chai để bán ra thị trường. Từ giờ đến Tết sẽ tập trung vào công đoạn này”. Thời điểm này, các kho đông cũng bắt đầu trữ hải sản tươi sống để phục vụ thị trường. Chị Nguyễn Thị Ngãi, chủ một kho đông lạnh ở Nghi Hải cho biết: “Từ một tuần nay, cơ sở chúng tôi đã trữ một số mặt hàng hải sản tươi phục vụ Tết Nguyên đán như: tôm, cá thu, mực… Tuy nhiên, số lượng không nhiều như trước vì lo ngại dịch bệnh nên nhu cầu sẽ giảm”.
Ở các hộ khác, mọi người cũng đang tất bật phân loại, đóng gói hải sản khô như mực, tôm nõn, tép biển… để vận chuyển cho các khách sỉ. Các cơ sở, lò nướng cá thu hút chân không cũng hoạt động hết công suất để chuẩn bị sẵn nguồn hàng phục vụ Tết. Theo dự tính thì nhu cầu về các mặt hàng nước mắm, ruốc, hải sản cấp đông, hải sản khô sẽ tăng 3-4 lần so với ngày thường. Do đó, vào thời điểm này, người dân vùng biển Cửa Lò đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng để cung ứng ra thị trường, góp phần đem đến hương vị mặn mòi của biển trong mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình.
Ông Võ Hồng Thạch, Trưởng làng nghề chế biến hải sản Bình Minh (Nghi Thuỷ) cho biết: “Hy vọng, thị trường Tết sẽ khởi sắc, bà con tiêu thụ lượng hàng lớn để bù lại những thiệt hại trong năm do dịch bệnh gây ra. Ngoài cung cấp các sản phẩm truyền thống thì các sản phẩm đóng hộp, thay đổi mẫu mã sản phẩm, đóng gói đẹp mắt, tem nhãn đầy đủ… sẽ thu hút được người tiêu dùng mua sử dụng và làm quà biếu dịp Tết”./.