
Theo Cục Thủy Lợi, từ nay đến cuối mùa khô, ĐBSCL còn các đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường: từ ngày 24/2 - 4/3/2025; 11/3-15/3/2025; ngày 30/3-02/4.
Cụ thể, từ ngày 24/2 đến ngày 4/3 xâm nhập mặn bắt đầu tăng dần theo kỳ triều cường, với chiều sâu dự báo ranh mặn 4g/l lớn nhất ở các cửa sông Cửu Long trong kỳ triều vào khoảng 45-62km. Dự báo, đây có khả năng là đợt xâm nhập mặn sâu nhất từ đầu mùa khô trên các cửa sông Cửu Long; vùng hai sông Vàm Cỏ, chiều sâu xâm nhập mặn vào sâu từ 65-70km.
Từ giữa tháng 3 đến hết mùa khô năm 2025, ĐBSCL còn các đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường: từ 11/3 -15/3/2025; từ 30/3-2/4. Trường hợp nguồn nước thượng lưu về hạn chế, chiều sâu xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long ở mức tương đương như trong tháng 2/2025. Đối với vùng hai sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn có thể kéo dài sang tháng 4/2025 nếu khu vực chưa xuất hiện mưa.
Mùa khô năm 2024 - 2025 xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn TBNN, nhưng không gay gắt như mùa khô các năm 2023–2024, năm 2015–2016 và năm 2019–2020. Các địa phương cần chủ động, đề phòng xâm nhập mặn tăng cao đột biến trong các kỳ triều cường.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, mực nước tại các dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo thủy triều; mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,35 m, tại Châu Đốc 1,55 m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,1 - 0,15 m.

Dự báo, từ ngày 21 - 28/2 mực nước trạm Vũng Tàu dao động ở mức thấp và có xu hướng tăng dần từ ngày 25/2, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 3,4 - 3,8 m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 0 - 3 giờ và 14 - 17 giờ hằng ngày.
Mực nước triều tại trạm Rạch Giá dao động ở mức trung bình và có xu hướng tăng dần, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 0,3 - 0,5 m, thời gian xuất hiện trong khoảng 3 - 6 giờ hằng ngày.
Cơ quan khí tượng cho biết thêm, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 21 - 28/2 ở đồng bằng sông Cửu Long giảm trong 2 - 3 ngày đầu tuần sau đó tăng lại đến ngày cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức xấp xỉ và thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2024.
Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 4‰ (4 g/l) tại các cửa sông chính: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 40 - 52 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 35 - 42 km; sông Hàm Luông 40 - 50 km; sông Cổ Chiên 35 - 42 km; sông Hậu 35 - 42 km; sông Cái Lớn 30 - 37 km.
Cảnh báo, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh. Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 - tháng 3 (từ ngày 27/2 - 4/3, từ 10 - 15/3 và từ 29/3 - 3/4); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2025 (từ ngày 10 - 15/3; 29/3 - 3/4; 27/4 - 1/5). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cấp 2.

Trước đó, vào ngày 17/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 15/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Để chủ động ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực của những đợt xâm nhập mặn cao điểm trong thời gian tới tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi sát diễn biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình, dự báo thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh đến cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thông tin chính xác, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.
Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với thực tế từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên, nhất là khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tập trung triển khai các phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục thiếu nước ngọt./.