Quảng cáo #128

Thủ tướng chỉ đạo công tác phòng chống xâm nhập mặn trong mùa khô nhằm chủ động sản xuất, ổn định đời sống

Thủ tướng Chính phủ vừa ký công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống, hạn chế ảnh hưởng khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm chủ động trong sản xuất và ổn định đời sống người dân vùng hạn mặn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

phong-chong-han-han-xam-nhap-man-1-1733704665.jpg
Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,  nêu:

Hiện nay, đang chuẩn bị vào mùa khô, mực nước tại nhiều hồ chứa ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường, những tháng đầu năm 2025 có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, tại Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để chủ động phòng, chống, hạn chế ảnh hưởng khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo rà soát, đánh giá khả năng nguồn nước, xây dựng phương án sử dụng nguồn nước phù hợp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt của Nhân dân trong các tháng cao điểm nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

phong-chong-han-han-xam-nhap-man-2-1733704722.jpg
Các địa phương vùng hạn mặn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân áp dụng các giải pháp dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống. (Ảnh minh họa)

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

b) Tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long và một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn việc vận hành điều tiết các hồ chứa nước để chủ động dự trữ nước phục vụ sinh hoạt, phát điện, sản xuất nông nghiệp, nhất là trong các tháng cao điểm nắng nóng.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức theo dõi, chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh thời vụ, tổ chức sản xuất phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.

4. Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân, khai thác tối đa hiệu quả nguồn điện từ các nhà máy thủy điện phù hợp với kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

phong-chong-han-han-xam-nhap-man-3-1733704761.jpg
Công trình cống ngăn mặn ở Huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) giúp bảo vệ nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp địa phương khi độ mặn lên cao. (Ảnh minh họa)

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

6. Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân.

7. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.

Thời điểm từ đầu tháng 12 tới nay, xâm nhập mặn trên các cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu tăng dần. Ranh mặn 4 phần ngàn vào sâu từ 15 - 20km. Theo Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Ngoài các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ nằm ở vùng lõi thì các tỉnh còn lại ở đồng bằng sông cửu Long mặn có thể xâm nhập sâu vào các nhánh sông lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Tại tỉnh Tiền Giang, mặn có thể xâm nhập sâu ở các sông lớn như sông Tiền, Vàm Cỏ Tây, kênh Chợ Gạo. Các khu vực có thể bị ảnh hưởng chính gồm các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Độ mặn trên 4 phần ngàn dự báo xuất hiện trên các sông Ông Đốc, Gành Hào, kênh Phụng Hiệp của tỉnh Cà Mau.

Cũng từ mùa khô này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đưa vào vận hành hai công trình thủy lợi trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long là cống ngăn mặn trữ ngọt Nguyễn Tấn Thành ở tỉnh Tiền Giang và Rạch Mọp ở tỉnh Sóc Trăng. Hai cống này giúp điều tiết nước cho hơn 150.000 héc ta đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân giúp các địa phương chủ động ứng phó với mùa khô năm nay.

Bình Nguyên