Cà phê thành cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao ở Sơn La

Trong những năm qua, cây cà phê đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La với nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính.
ca-phe-1694766915.jpeg
Trồng cây cà phê giúp nông dân Sơn La thoát nghèo. Ảnh minh họa

Sơn La là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc Thái chiếm phần lớn tỷ lệ dân cư. Với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các bồn địa, các cao nguyên, Sơn La là mảnh đất rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà phê. Do đó, cách đây nhiều năm, Sơn La đã chọn cà phê là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của địa phương, chủ yếu là giống cà phê chè (cà phê Arabica).

Sau hơn nhiều năm phát triển cây cà phê, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/ năm.

Tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 29.649 tấn, tiêu thụ, xuất khẩu trên 95% còn lại khoảng 5% đưa vào các cơ sở chế biến cà phê rang, cà phê xay, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc, trà vỏ cà phê tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2022 đạt 30.500 tấn với giá trị trên 82,2 triệu USD.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 03 địa phương là vùng nguyên liệu cà phê chính bao gồm: huyện Thuận Châu, thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn. (Thuận Châu với diện tích 5.600 ha, thành phố Sơn La với diện tích 5.000 ha và huyện Mai Sơn với diện tích trên 6.400 ha).

Đặc biệt, từ năm 2017, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ, khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Năm 2021, sản phẩm Cà phê của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia và thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Hiện nay cà phê Sơn La đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia (Nhật, Mỹ, các nước Trung Đông và các nước Châu Âu) và là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Từ "sứ mệnh" xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.

Hương Lan