Hơn 500 tấn trái cây của nông dân Sơn La được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

Tính từ đầu năm đến nay, hơn 500 tấn trái cây của nông dân tỉnh Sơn La đã được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền cũng như bà con nông dân áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tìm kiếm, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, bảo đảm thu nhập.

Theo số liệu thống kê, năm 2023, tỉnh Sơn La trồng hơn 84.700ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả dự kiến đạt gần 452.000 tấn. Một số loại cây ăn quả có sản lượng lớn, như: Chuối 55.000 tấn, mận gần 90.000 tấn, xoài 81.000 tấn, nhãn 139.000 tấn.

nong-san-son-la-1690368811.jpg
Sàn thương mại điện tử là kênh tiêu thụ các sản phẩm nông sản hiệu quả của Sơn La. Ảnh: Internet

Việc xúc tiến thương mại điện tử đã, đang được nhiều địa phương ứng dụng vào thực tiễn tiêu thụ nông sản và là hướng đi quan trọng của Tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tận dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu và đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử ngày càng phong phú, đa dạng, từ các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến, như: Chè, cà phê, sữa đến các loại hoa quả sấy đến sản phẩm quả tươi, như: Mận hậu, xoài, nhãn, bơ, chanh dây và sản phẩm mật ong Sơn La.

Để bảo đảm hoạt động tiêu thụ, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập huấn, phổ biến kỹ năng trong thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người dân trên địa bàn; phối hợp các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Voso tổ chức buổi hướng dẫn cho hợp tác xã trên địa bàn các huyện, TP. Sơn La, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu cách thực hành tạo lập gian hàng và thực hiện việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các website thương mại điện tử và phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh.

Việc chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử không chỉ phát triển bền vững nông nghiệp mà còn là con đường đưa nông dân thoát nghèo. Tuy nhiên việc chuyển đổi số với bà con nông dân Sơn La vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi người dân vốn quen với cách sản xuất truyền thống, chưa có tính chuyên nghiệp là điều mà nhiều chủ thể chưa có được, từ khâu xây dựng hình ảnh, quảng cáo tiếp thị đến tiếp nhận đơn hàng,… Qua đó, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đối số, nhất là với nông dân, chủ thể sản xuất, kinh doanh./.

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên 14.125 km² và có nhiều ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Sàn giao dịch thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc hữu, nông sản an toàn của Sơn La, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản an toàn Sơn La vươn ra thế giới.
Anh Thư- Hoàng Diệp (t/h)