Buôn Ma Thuột quyết tâm hướng tới mục tiêu chấm dứt mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã

Sáng 11/8, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk và UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức ra mắt Mô hình “TP. Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật giai đoạn 2024- 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Đây là sự kiện quan trọng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk và UBND thành phố Buôn Ma Thuột cùng tổ chức. Tham dự lễ ra mắt mô hình này có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương. Ngoài ra, còn có đại diện Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).

dai-bieu-bam-nut-khoi-dong-trien-khai-thuc-hien-mo-hinh-thanh-pho-buon-ma-thuot-noi-khong-voi-cac-san-pham-dong-vat-hoang-da-trai-phap-luat-1723443231-1723446175.jpg
Đại biểu bấm nút khởi động triển khai thực hiện mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định mô hình “TP. Buôn Ma Thuột nói không với sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật'' sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan đến việc mua bán và tiêu thụ sản phẩm ĐVHD. "Mô hình cũng sẽ liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật không được bày bán. Đồng thời, nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các cơ quan thực thi có liên quan nhằm tịch thu các sản phẩm trái pháp luật và truy tố đối với các trường hợp hoạt động phi pháp." - ông Văn khẳng định.

dai-bieu-va-lanh-dao-tp-buon-ma-thuot-tham-quan-cac-thong-diep-ve-bao-ve-dong-vat-hoang-da-1723443350.jpg
Đại biểu và lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột tham quan các thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã.

Trước đó, ngày 24/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-MTTQ về ban hành Kế hoạch triển khai mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật”, giai đoạn 2024 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung của Quyết định đã nêu rõ các hoạt động và chiến lược trọng tâm nhằm xóa bỏ tình trạng buôn bán các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật. Song song đó là thúc đẩy các hành động bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên quý giá của tỉnh một cách bền vững.

Theo thông tin, đây là sáng kiến từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thông qua dự án Bảo vệ ĐVHD nguy cấp. Chủ dự án là Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) là đơn vị triển khai thực hiện.

ba-michelle-owen-giam-doc-van-phong-du-an-bao-ve-dong-vat-hoang-da-nguy-cap-wwf-phat-bieu-tai-buoi-le-1723443443.jpg
Bà Michelle Owen - Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (WWF) phát biểu tại buổi lễ.

Bà Michelle Owen - Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (thuộc WWF) cho biết “Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, TP. Buôn Ma Thuột sẽ thành công trong việc ngăn chặn, đi đến chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Từ đó, trở thành hình mẫu để các tỉnh thành khác học tập mô hình này.".

Một cuộc khảo sát do Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Lắk và WWF phối hợp thực hiện trước đó tại các chợ và cửa hàng cho thấy tình trạng buôn bán ĐVHD trái pháp luật đã diễn ra ở nhiều địa điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Trong số 13/16 phường (81,3%) được khảo sát có ít nhất một cơ sở tham gia vào các hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Ngoài ra, còn có khoảng 44% địa điểm được khảo sát, bao gồm các nhà hàng, cửa hàng thú cưng và hiệu thuốc đông y có liên quan đến hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

lanh-dao-tp-buon-ma-thuot-va-cac-dai-bieu-cung-dap-xe-keu-goi-huong-ung-van-de-giam-nhu-cau-tieu-thu-cac-san-pham-dvhd-trai-phap-luat-1723443496.jpg
Lãnh đạo TP.Buôn Ma Thuột và các đại biểu cùng đạp xe kêu gọi hưởng ứng vấn đề giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD trái pháp luật.

Cuộc khảo sát này cũng nêu rõ các hoạt động mua bán ĐVHD trái pháp luật dưới hình thức còn sống hoặc các sản phẩm lấy từ những loài động vật này. Qua đó, liệt kê 20 loài được bảo vệ theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, 14 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và 41 loài khác được liệt kê trong Sách đỏ IUCN (thuộc nhóm nguy cấp và cực kỳ nguy cấp)./.

Kiến Giang