Ngày 28/9, tại vườn quốc gia Cúc Phương, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức buổi Hội thảo “Tập huấn tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Hội thảo tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, chuyên gia báo chí điều tra và hơn 30 nhà báo, phóng viên từ nhiều cơ quan báo đài trên cả nước. Hội thảo tập huấn đặt mục tiêu góp phần nâng cao năng lực báo chí, truyền thông về điều tra, phân tích dữ liệu, lựa chọn và khai thác chủ đề liên quan tới buôn bán ĐVHD trái pháp luật, góp phần truyền cảm hứng cho các phóng viên, nhà báo trong công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã.
Theo nghiên cứu hiện nay, tác động của con người đã đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã gấp 4.000 lần so với thời kỳ tuyệt chủng của các loài khủng long. Vì vậy, nếu không có các hành động khẩn cấp thì trong vòng khoảng ba thập kỷ tới thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6.
Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học thuộc tốp đầu thế giới. Trong những qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy sự đa dạng sinh học đặc hữu này.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực thì Việt Nam cũng nổi lên là một trong những điểm nóng của thế giới về hành vi buôn bán, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã với rất nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng bắt giữ suốt nhiều năm qua.
Chia sẻ về thực trạng buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam, TS. Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc CITES Việt Nam cho biết, giai đoạn 2019 - 2021, các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, với trên 500 bị cáo bị truy tố. Riêng với sừng tê giác, từ tháng 8/2019 đến hết năm 2021, lực lượng Hải quan đã bắt giữ, tịch thu trên 353 kg sừng tê giác nhập khẩu trái pháp luật.
Hiện nay, trên báo chí vẫn còn thiếu các bài viết về các đối tượng, các đường dây buôn bán động vật hoang dã, cần làm rõ động cơ thúc đẩy việc tham gia và động cơ ngừng tham gia. Việc tăng cường chủ đề này sẽ giúp các cơ quan chức năng xử lý một cách hiệu quả.