Bước ngoặt trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và nền tảng số

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế Thu nhập cá nhân vừa được Quốc hội thông qua đánh dấu bước ngoặt trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (thương mại điện tử) và nền tảng số.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế Thu nhập cá nhân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, ngoại trừ một số điều khoản cụ thể có hiệu lực sớm hơn.

quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-2-1733149135.jpg
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế Thu nhập cá nhân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.(Ảnh minh họa)

Theo đại diện của Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính), điểm nhấn đáng chú ý là việc bỏ quy định "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam" đối với nhà cung cấp nước ngoài đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc khấu trừ, nộp thuế thay. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ, việc này nhằm phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong quản lý thuế giữa các quốc gia.

Việc loại bỏ cụm từ này mở ra hành lang pháp lý để cơ quan thuế có thể đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài, kể cả những đơn vị “có cơ sở thường trú” tại Việt Nam, đăng ký, khai báo và nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong việc mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, bất kể có hay không có cơ sở thường trú, đều phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng làm rõ hơn trách nhiệm của công chức quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ thuế. Cụ thể, công chức chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi hồ sơ, tài liệu, thông tin do người nộp thuế cung cấp, cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và thông tin từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan. Việc này nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong công tác quản lý thuế đồng thời hạn chế rủi ro và sai sót trong quá trình xử lý hồ sơ.

quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-1-1733149177.jpg
Cán bộ ngành Thuế hướng dẫn người dân đăng ký hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.(Ảnh minh họa)

Về phía cơ quan quản lý thuế và các cơ quan Nhà nước khác có liên quan, Luật sửa đổi nhấn mạnh việc thực hiện quản lý thuế phải công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Điều này thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi đồng thời đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện, Luật sửa đổi quy định rõ ràng hơn về nghĩa vụ nộp thuế. Nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Điều này góp phần loại bỏ những kẽ hở trong pháp luật trước đây, giúp siết chặt quản lý thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên thị trường Việt Nam.

Một điểm mới đáng chú ý khác là việc quy định về trách nhiệm của các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng này. Cụ thể, các tổ chức này có chức năng khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Chính phủ sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về phạm vi trách nhiệm, cách thức thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay cũng như hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số. Việc làm này giúp đơn giản hóa thủ tục thuế cho các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý thuế của Nhà nước. Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì vẫn có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký, khai và nộp thuế.

quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-3-1733149218.jpg
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế Thu nhập cá nhân đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh điện tử. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Luật Thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi cũng bổ sung những nội dung tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế số. Cụ thể, Luật quy định trách nhiệm của các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử, nền tảng số có chức năng thanh toán và các tổ chức khác có hoạt động kinh tế số trong việc khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế (đã khấu trừ) cho các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân. Những điều chỉnh này tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật thuế, giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh tế số và đảm bảo công bằng thuế.

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023. Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng.

Theo Tổng Cục Thuế, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế Thu nhập cá nhân đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh điện tử. Những sửa đổi này hướng đến mục tiêu đảm bảo công bằng thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách minh bạch và tuân thủ pháp luật./.

Chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính với 445/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,9% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đối với Luật Quản lý thuế, sửa đổi theo hướng tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về Mức tiền phải trả lãi; Thẩm quyền quyết định hoàn thuế; Nguyên tắc quản lý thuế; Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; Quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.

Để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số; khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Thuế với các cơ quan liên quan.

Bình Nguyên