Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực khôi phục kinh tế

Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, tuy nhiên, tuy nhiên, ngành giao thông vận tải vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xung quanh những kết quả đạt được trong năm vừa qua và các nhiệm vụ của Bộ trong năm 2022.

Phóng viên: Năm 2021 là năm đầu của kế hoạch kinh tế 5 năm 2021 - 2025, Bộ trưởng có thể chia sẻ những thành tựu đạt được và những khó khăn của Bộ Giao thông Vận tải trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trước khi chia sẻ về những thành tựu đã đạt được, tôi muốn đề cập về một số khó khăn mà Bộ Giao thông Vận tải đã gặp trong năm vừa qua.

Khó khăn trước tiên chính là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại một số dự án quan trọng, cấp bách vẫn chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1… Việc tuyên truyền chính sách, pháp luật trong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn hạn chế nên một bộ phận người dân chưa đồng thuận, dẫn tới chậm trễ giải phóng mặt bằng cục bộ tại một số vị trí do có sự khiếu kiện của người dân về đơn giá bồi thường. Hoặc, một số khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu thi công vẫn gặp cản trở do các khiếu kiện kéo dài...

Khó khăn tiếp theo phải kể đến chính là việc khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp nền tại dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.... Ngoài ra, giá một số loại vật liệu xây dựng trên thị trường biến động tăng cao, nhất là giá thép xây dựng tăng đột biến đã gây nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng.

cau-thu-thiem-2-20421-1640590931.jpeg
Công trường thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Đặc biệt, là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Một số công trình đã phải dừng thi công do đã có cán bộ, công nhân lây nhiễm COVID-19, phải cách ly. Ngoài ra, việc thu xếp tài chính để thực hiện các dự án PPP (hợp tác công tư) gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán với ngân hàng...

Vượt qua những vấn đề trên, năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã đạt được một số kết quả tích cực. Kết quả đầu tiên phải kể đến là hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc lập quy hoạch ngành quốc gia được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, kịp thời, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối giữa các lĩnh vực, khắc phục được hạn chế của các quy hoạch trước đây. Bộ Giao thông Vận tải là một trong những bộ, ngành đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, việc đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, qua đó, đảm bảo hoạt động kinh tế không bị đình trệ cũng là một kết quả đáng ghi nhận của Bộ Giao thông Vận tải. Cụ thể, tại các thời điểm dịch COVID-19 phức tạp nhưng tình hình giao thông tại chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, các tuyến đường địa phương, các cảng biển, cảng, bến thủy nội địa cơ bản vẫn giữ được thông thoáng, không xảy ra ùn tắc kéo dài, đảm bảo lưu thông hàng hóa 24/24h phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải cũng đạt kết quả khả quan đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A phải trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Năm 2021, nhờ nỗ lực của toàn ngành, việc giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến, tiến độ giải ngân được đảm bảo và cao hơn mức trung bình chung của cả nước.

Phóng viên: Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 đã làm cho việc luân chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Xin Bộ trưởng cho biết, những bài học rút ra từ công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:  Bài học đầu tiên chính là việc Bộ Giao thông Vận tải đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, triển khai kịp thời các chỉ thị, công điện, quyết định, văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận… của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia… tới các cơ quan, đơn vị trong ngành và cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức triển khai.

Trong thời gian gần đây, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai ngay các quyết định ban hành Hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông. Bộ đã hướng dẫn tạm thời hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, các đoàn kiểm tra về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19 do các lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là khi các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam, các Tổ công tác đặc biệt hàng ngày đã đi thị sát, làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoạt động vận tải gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, chính việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương đã góp phần đảm bảo hoạt động vận tải trong phòng, chống dịch được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt, hiệu quả.

Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến hàng ngày với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố để triển khai nhanh gọn, hiệu quả, thống nhất tới từng địa phương về hoạt động giao thông vận tải trên toàn quốc trong thời điểm “chống dịch như chống giặc”, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, an toàn.

Phóng viên: Là ngành có vai trò quan trọng trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng có thể chia sẻ kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch và các giải pháp trong thực hiện kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế vào thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Liên quan đến nội dung này, hiện Bộ Giao thông Vận đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục và cơ chế thực hiện các dự án đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp đầu năm 2022. Việc tập trung bố trí vốn triển khai ngay các dự án giao thông trong chương trình sẽ có tác động kích cầu phát triển, phục hồi các ngành sản xuất …, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, cải thiện đời sống nhân dân.

Như vậy, thông qua đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ góp phần phục hồi nhanh các ngành kinh tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, mặt khác, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Trong 6 dự án quan trọng quốc gia có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, dư luận đặc biệt quan tâm.

Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải tập trung xây dựng, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được Chính phủ, Bộ Chính trị thông qua để trình Quốc hội. Tại phiên họp chuyên đề tháng 12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư lên tới 146.990 tỷ đồng.

Dự án này không chỉ góp phần hoàn thiện trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà còn là một trong những công trình tạo động lực cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng, với những nỗ lực, quyết tâm cao nhất, ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thành được nhiệm vụ Chính phủ giao về đảm bảo lưu thông thông suốt trong điều kiện tình hình mới, đẩy mạnh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, động lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Tôi hy vọng những giải pháp của ngành giao thông vận tải sẽ góp phần khôi phục kinh tế đất nước sau đại dịch, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp vừa qua./.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!./.