Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn, Hòn Cau là hòn đảo nhỏ xinh đẹp có diện tích khoảng 1,4 km2, cách bờ 9 km; được bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau nằm thành cụm, nhóm hoặc riêng lẻ như có sự sắp đặt của bàn tay con người, đẹp như tranh vẽ.
Đặc biệt, đảo Hòn Cau còn là 1 trong 3 địa điểm trên cả nước có rùa biển - loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang sinh sống và lên bờ sinh sản thường xuyên hàng năm.
Bên cạnh đó, trên đảo còn giữ lại một số di tích như: Giếng Tiên (hay giếng Gia Long) theo truyền thuyết là nơi vua Gia Long từng ghé lại uống nước; đền thờ thần Nam Hải (Đền thờ cá Ông) là nơi ngư dân tại các xã ven biển của địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư hàng năm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Thắng Cảnh Hòn Cau tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tuy Phong thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với Thắng cảnh Hòn Cau theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau với tổng diện tích 12.500 ha, bao gồm diện tích mặt biển 12.360 ha và diện tích đảo Hòn Cau 140 ha; ban hành quy chế quản lý các hoạt động trong Khu này. Tỉnh Bình Thuận cũng đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau (gọi tắt là Đề án 3106).
Ông Nguyễn Linh Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận) cho biết, việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với thắng cảnh Hòn Cau là cơ sở pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thắng cảnh về lâu dài. Chúng tôi chú trọng đến du lịch xanh. Nghĩa là phải xây dựng nhận thức của du khách khi lên đảo là phải ý thức tốt vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc mang rác thải nhựa lên đảo, giảm thiểu các hoạt động tác động đến tài nguyên, cảnh quan.
Thắng cảnh Hòn Cau rất phù hợp cho loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá các rạn san hô nhiều màu sắc, đa dạng sinh học rất lý thú trong lòng đại dương.
Đồng thời, đây còn là phòng thí nghiệm sống, quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu biển, tham quan, học tập của các trường trong khu vực về các giá trị sinh học biển và đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là những loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng.