Khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm
Theo đánh giá từ đại diện phát ngôn của Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào đầu tháng 12/2023, việc duy trì quy định giá điện sinh hoạt theo bậc được xem là phù hợp với điều kiện thực tế. Hệ thống giá điện này không chỉ tạo động lực cho người tiêu dùng sử dụng điện hiệu quả mà còn thúc đẩy nhận thức về quản lý và sử dụng điện năng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: “Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, với quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Lưu trữ điện năng cũng đòi hỏi chi phí đáng kể. Khi huy động các nhà máy phát điện, nguyên tắc của ngành điện là ưu tiên huy động nhà máy có giá rẻ, sau đó là nhà máy có giá đắt, đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Chính vì thế quy định giá theo bậc không chỉ tạo ra cơ chế hợp lý để duy trì cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu, mà còn khuyến khích hiệu quả sử dụng điện từ phía người tiêu dùng”.
Được biết, thiết kế giá bán lẻ điện theo các bậc, phản ánh mức sử dụng khác nhau, là biện pháp khuyến khích hiệu quả. Áp dụng thực tế trong những năm gần đây cho thấy hệ thống giá này đã được đơn giản hóa (rút ngắn từ 6 xuống cón 5 bậc) và đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Thực tế, ngày nay, để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách tính giá điện theo bậc. Điển hình là các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines. Mô hình giá này đặt giá điện của từng bậc ở mức cao hơn bậc trước đó, khích lệ người tiêu dùng sử dụng năng lượng một cách thông minh. Việt Nam cũng đang áp dụng cơ chế này với mục tiêu không chỉ thúc đẩy tiết kiệm điện mà còn giúp quản lý nguồn cung năng lượng điện và bảo vệ môi trường.
Không những thế, việc dự kiến sẽ nghiên cứu đề xuất áp dụng thử nghiệm giá điện 2 thành phần cũng được đại diện Bộ Công Thương xác nhận. Tuy nhiên, quy định giá bán điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) chỉ áp dụng cho khách hàng sản xuất và kinh doanh, không áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.
Ưu nhiều hơn nhược
Cũng tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Hải khẳng định biểu giá mới này có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm.
Ông cho biết, với biểu giá điện sinh hoạt chia thành 5 bậc, mức tăng giữa các bậc là tương đối hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là hai lần. Chênh lệch này là phù hợp khi so sánh với xu thế chung của các nước trên thế giới như: tại Nam Cali (Mỹ) mức chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2,2 lần; tại Hàn Quốc là ba lần tại Lào là 2,88 lần và tại Thái Lan là 1,65 lần.
Về ưu điểm, rõ ràng là đơn giản hơn, người dân thì dễ hiểu và thực tế đã giảm được một bậc so với trước đây là 6 bậc. Các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với cách tính cũ.
Ngược lại, phần nhược điểm chỉ rơi vào 2% số hộ còn lại, tức là các hộ sinh hoạt có mức điện sử dụng điện cao hơn 711KWh/ tháng trở lên thì phải trả tăng thêm.
“Như vậy, về tổng thể của phương án tính vẫn giữ nguyên, chỉ có sự tăng lên giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện”, ông Hải kết luận.
Ngoài ra, ông Đỗ Thắng Hải còn lý giải, áp dụng giá điện theo thời gian cho khách hàng sản xuất, kinh doanh vẫn phù hợp do đặc điểm của hệ thống điện luôn có sự chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm của biểu đồ phụ tải tạo áp lực về dự phòng và vận hành. Nhà máy điện chỉ vận hành cao điểm đòi hỏi vốn đầu tư lớn, gia tăng tổn thất và áp lực xây dựng nguồn điện mới. Áp dụng giá điện theo giờ giúp giảm nhu cầu phụ tải đỉnh, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, mang lại lợi ích cho hệ thống và kinh tế quốc dân.
Hơn nữa, trong giờ cao điểm, để đảm bảo công suất, hệ thống điện cần huy động nhà máy tua bin khí chạy dầu, có giá phát điện cao. Do đó giá bán lẻ điện vào giờ cao điểm là cao nhất, phản ánh đúng chi phí sản xuất. Áp dụng biểu giá theo thời gian sử dụng khuyến khích tiết kiệm năng lượng, giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới. Nếu không, nhu cầu công suất tăng, gây khó khăn trong cung cấp điện giờ cao điểm, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.
Duy trì biểu giá điện sinh hoạt theo bậc được xem là phù hợp và mang lại nhiều ưu điểm hơn nhược điểm. Trải qua những năm áp dụng giá điện theo khung thời gian sử dụng trong ngày, đã chứng minh cơ chế này không chỉ tối ưu hóa vận hành mà còn khuyến khích hiệu quả sử dụng năng lượng từ phía người tiêu dùng, thúc đẩy việc tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả. Điều này không chỉ đảm bảo cung cấp ổn định mà còn giảm áp lực đầu tư vào nguồn điện mới, hỗ trợ phát triển bền vững cho hệ thống cung cấp điện năng.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của EVN và tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân như sau:
Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên, giá điện là 1.806,11 đồng/kWh
Bậc 2: cho kWh 101-200, giá điện là 2.167,33 đồng/kWh
Bậc 3: cho kWh 201-400 có giá là 2.729,23 đồng/kWh
Bậc 4: cho kWh 401-700 có giá 3.250,99 đồng/kWh
Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên, giá điện là 3.612,22 đồng/kWh.