Nhận diện bệnh sỹ
Đây là loại bệnh không gây chết người, lại làm cho người ta sung sướng, tự hào trong chốc lát, nhưng mang lại tai họa về bản chất và lâu dài. Có lẽ người Việt mắc bệnh sĩ thuộc hạng nặng nhất thế giới. Bệnh này có nguồn gốc từ trong những yếu kém của nền văn hóa dân tộc, gặp được môi trường thuận nó phát triển nhanh chóng, rộng khắp.
Trong nước bệnh sĩ biến tướng ra bệnh thành tích dỏm, là việc chạy khen thưởng, huân chương, danh hiệu anh hùng, danh hiệu gia đình và đơn vị văn hóa, nông thôn mới, bằng cấp dỏm các loại v.v…
Ra nước ngoài, hễ thế giới có cuộc thi gì thì Việt Nam cố chọn vài người, tập trung huấn luyện, bồi dưỡng thật lực, không kể tốn kém, đi thi mà kiếm lấy huân chương, để khoe khoang là chủ yếu, chẳng cần đại diện cho một cơ sở nào, còn tình trạng lạc hậu của các ngành nghề thì mặc kệ trời đất. Năng suất lao động thuộc loại thấp nhất mà thợ đi thi tay nghề đoạt huy chương vàng, giỏi nhất khu vực; giáo dục xuống cấp trầm trọng mà học sinh thi thế giới môn nào cũng được vài huy chương vàng, bạc, đồng.
Hễ thế giới có Công ước gì mới thì VN là một trong những nước ký đầu tiên. Ký xong, tuyên truyền rùm beng rồi để đó, không cần thực hiện. Có được các di sản vật thể và đặc biệt là phi vật thể nào thì cố mà chạy để UNESCO công nhận. Một số điệu hò, điệu hát thi nhau chạy, theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Cái điệu hát A ở vùng kia được rồi thì điệu hò B của vùng ta tốn bao nhiêu cũng cố mà chạy cho được chứ. Phải chi tiêu khá tốn kém để chạy được rồi, tổ chức ăn mừng rồi, xong thì để đó, chẳng dùng làm gì, chẳng mấy ai nhớ tới, chỉ là để thỏa bệnh sĩ trong thời gian ngắn.
Rồi rất nhiều đoàn cấp cao tấp nập đi lại thăm nhau. Trong việc thăm này cái lợi cho những người tham gia, sự tốn kém của công quỹ là rõ ràng, còn Quốc gia, nhân dân được gì không, hiệu quả như thế nào thì chưa thấy ai khảo sát và tổng kết. Những cái bên ngoài làm cho người ta coi trọng mình khi ở trước mặt người khác.
Chuyên xưa kể: “một anh đồ kiết đi tìm nơi dạy học. Ðường xa, người mệt, trong túi còn vài đồng, thầy vào quán ăn vài củ khoai cho đỡ đói. Thầy vừa ăn vừa uống nước ra vẻ ung dung lắm. Ăn hết củ thứ nhất, rồi củ thứ hai, thầy muốn chén củ nữa nhưng lại sợ hết mất tiền. Cái miệng vẫn thòm thèm. Nhân lúc cô hàng vào bếp, thầy vội vơ nắm khoai vắt lại bỏ vào mồm. Không ngờ, cô hàng quay ra, nhìn thấy. Thầy cố ra vẻ thản nhiên bảo:
- Ta ăn thêm vắt xôi đậu.
Cô hàng thừa hiểu, nhưng tảng lờ như không biết gì, bảo thầy: - Vậy xin thầy giả tiền cả vắt xôi đậu. Thầy bấm bụng đưa nốt đồng bạc cuối cùng”.
Nhiều người Việt mắc bệnh sỹ
Có điện thoại gọi đi nhậu là đi, không đi sẽ bị cho là không nhiệt tình, sợ tốn tiền, ki bo. Ăn nhậu xong đứng dậy bàn nhậu còn đầy thức ăn, đồ uống nhưng chẳng ai dám cho vào túi mang về.
Chúng ta hãy nhìn người Nhật, họ là một đất nước phát triển, nhưng đi làm hay đi chơi không bao giờ họ mua đồ ăn ngoài. Tất cả đều do họ tự nấu và mang đi. Họ chỉ đi nhậu vào những ngày cuối tuần, nhưng những người này đa số là còn độc thân. Những người có gia đình họ dành những ngày nghỉ đưa gia đình đi mua sắm, picnic... Còn chúng ta thì sao? Có điện thoại gọi đi nhậu là đi, không đi sẽ bị cho là không nhiệt tình, sợ tốn tiền, ki bo. Ăn nhậu xong đứng dậy thì bàn nhậu còn đầy thức ăn, đồ uống nhưng chẳng ai dám cho vào túi mang về vì ai cũng sợ sẽ bị nghĩ này, nghĩ nọ, một căn bệnh sĩ diện cố hữu của phần đông người Việt.
Với mức chi tiêu cho việc ăn uống 2 triệu/tháng bữa cơm của những người quen tiết kiệm vẫn có đủ thịt cá như bao người khác. Có chăng họ không có táo, nho Mỹ, nước yến, sầu riêng… để ăn hàng ngày, chứ các loại hoa quả theo mùa như: chôm chôm, cóc, ổi, xoài… họ vẫn có để ăn. Như vậy bữa cơm của họ đã đủ chất dinh dưỡng rồi.
Cuộc sống như vậy có phải là đày ải? bởi sau ngày làm việc họ tự đi chợ, tự nấu ăn như vậy sẽ không có nhiều thời gian rảnh như những người ăn cơm ngoài quán. Cũng đừng nghĩ rằng sống như vậy sẽ không ai giúp đỡ khi gặp khó khăn. Bạn hoàn toàn sai, sự giúp đỡ lẫn nhau nó nằm ở chỗ khác. Những người biết tiết kiệm hoàn toàn có thể giúp đỡ được bạn bè lúc cần và ngược lại.
Bạn không tiết kiệm, không có khả năng giúp đỡ ai thì bạn đừng nghĩ là khi bạn khó khăn sẽ có nhiều người giúp đỡ bạn. Vì cuộc sống bây giờ mọi người đều thực dụng, có vay, có trả. Người ta có nhìn thấy khả năng bạn trả nợ được thì người ta mới cho bạn vay. Vì đấy cũng là đồng tiền mồ hôi, xương máu của họ làm ra.
Việc họ biết tiết kiệm cho dù lương thấp chứng tỏ họ biết lo cho tương lai và nghĩ đến người khác. Không phải mỗi ngày phải mời bạn bè đi ăn, đi nhậu mới là nhiệt tình. Đó không phải là cách để kết bạn mà chỉ là sĩ diện hão. Cũng chính vì đó mà các nhà hàng, quán ăn ở nước ta cứ mọc lên như nấm sau mưa và không thể quản lý nổi./.