Bắt tay với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân thoát cảnh bấp bênh 'được mùa rớt giá'

Để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, các địa phương đã đẩy mạnh thu hút đầu tư hình thành chuỗi liên kết. Khi bắt tay với doanh nghiệp, nông dân có nguồn lực để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng được đảm bảo khi doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ gánh vác, nông dân chỉ tập trung sản xuất.
lien-ket-phat-trien-nong-nghiep-01-1706494020.jpg
Phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao.(Ảnh minh họa).

Liên kết ứng dụng công nghệ cao giúp người chăn nuôi vượt khó

Tại huyện Châu Thành, trang trại gà Ba Nguyên là một trong những trại gà lớn nhất của tỉnh Tây Ninh với công nghệ lạnh hiện đại, khép kín; khâu cho ăn, uống tự động, có cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, điều chỉnh hệ thống làm mát. Quy trình chăm sóc gà theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong 1 năm trại có thể nuôi 5 lứa với 1 triệu con gà/năm.

Đáng chú ý, đây là một mô hình liên kết giữa trang trại với một công ty lớn, chủ trang trại đầu tư cơ sở vật chất, nhân công, còn phía công ty hỗ trợ giống, quy trình kỹ thuật, cử cán bộ xuống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” trong suốt quá trình chăn nuôi đồng thời thu mua bao tiêu lại sản phẩm.

Bà Trần Thị Hạnh - Giám đốc Trang trại gà Ba Nguyên cho biết: Ước tính trại đầu tư gần 30 tỷ đồng, hiện doanh thu ước khoảng 70-80 tỷ đồng/1 năm, lãi kỳ vọng là 10% thì chủ trại thu được 7-8 tỷ đồng trong một năm. Với thời gian hoàn vốn khoảng 4 năm.

“Trước vấn đề chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều rủi ro, nhờ bắt tay cùng doanh nghiệp, gà được chăm sóc theo công nghệ lạnh, hiện đại, an toàn sinh học và đặc biệt gà sản xuất ra đến đâu doanh nghiệp đến tận nơi thu mua tới đó. Người nuôi chỉ cần làm theo quy trình hướng dẫn của công ty, khi giá gà lên công ty cũng nâng giá thu mua lên, khi giá gà trên thị trường xuống thấp công ty cũng đứng ra hỗ trợ gánh vác, người chăn nuôi chỉ cần làm tốt việc chăn nuôi của mình. Với quy mô nuôi hiện tại là 200.000 con gà/lứa, sắp tới, trang trại gà Ba Nguyên dự tính tiếp tục mở rộng”, bà Trần Thị Hạnh chia sẻ.

lien-ket-phat-trien-nong-nghiep-04-1706494050.jpg
Trang trại gà Ba Nguyên là một trong những trại gà lớn nhất của tỉnh Tây Ninh với công nghệ lạnh hiện đại, khép kín. (Ảnh minh họa).

Còn tại tỉnh Bình Phước, có 494 trang trại, gồm 406 trang trại chăn nuôi lợn, 88 trang trại chăn nuôi gia cầm; trong đó, tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 67%; các trang trại lợn, gà chủ yếu là nuôi gia công hoặc cho các công ty, tập đoàn thuê chăn nuôi như: CP, Làng Sen, Vietswan, Sunjin, Japfa, New Hope, Hòa Phước, Velmar, BaF Việt.

Thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, đối với ngành chăn nuôi, tỉnh ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi hướng đến chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, bảo đảm môi trường; đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Khi Bình Phước đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, người nông dân cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội để phát triển nhanh và bền vững. Đơn cử như anh Đỗ Mạnh Tường ở xã Đồng Nơ (huyện Hớn Quản) là một trong những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sớm chuyển đổi sang chăn nuôi gà trắng thương phẩm hiện đại.

Đến nay, khu chuồng trại được đầu tư rộng rãi, sạch sẽ; trang bị đầy đủ hệ thống cảm biến nhiệt độ, đèn điện, quạt thông gió, máng ăn tự động, camera giám sát... giúp cho những người nông dân thời công nghiệp 4.0 như anh Tường có thể dễ dàng vận hành sản xuất một cách hiệu quả. Anh Đỗ Mạnh Tường cho biết, để có trang trại như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực thay đổi mạnh mẽ hình thức sản xuất. Chăn nuôi khép kín sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó nâng cao năng suất trong chăn nuôi.

Chuỗi liên kết lỏng lẻo cần đột phá từ chính sách

Phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản còn một số khó khăn do nông dân chỉ tham gia khâu duy nhất là sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tổn thất sau thu hoạch cao. Các chuỗi phát triển chưa đồng đều, quy hoạch vùng còn lỏng lẻo, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Định hướng của ngành nông nghiệp là hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường.

Đồng thời, đổi mới, nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong tham gia trong xây dựng chính sách, điều hành thị trường, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội ngành hàng, liên hiệp hợp tác xã.

Ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm; phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

lien-ket-phat-trien-nong-nghiep-03-1706494008.jpg
Định hướng của ngành nông nghiệp là hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ. (Ảnh minh họa).

Để nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết nông nghiệp gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nhiều chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp CNC về nguồn vốn, tập trung đất đai theo nguyên tắc thị trường, đào tạo nhân lực, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính…

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục dành nguồn lực, tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chú trọng công tác tổ chức và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản ở cả trong và ngoài nước. Trong đó, nông sản sản xuất từ CNC là một lợi thế để Việt Nam nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm sinh kế và gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là làm thế nào để tháo gỡ được những điểm nghẽn, rào cản về cơ chế, chính sách, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân…)./.

Trọng Bình