Bất ngờ khi xuất khẩu rau quả giảm mạnh trong tháng 2 có tác động tới mục tiêu 2024?

Bước sang năm 2024, rau quả Việt Nam tiếp tục tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu khi đạt tới 490 triệu USD trong tháng 1, tăng trên 90% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đà tăng đã dừng lại trong tháng 2 khi chỉ đạt kim ngạch gần 288 triệu USD, giảm đến 41,5% so với tháng 1 và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023.
xuat-khau-rau-qua-03-1708746260.jpg
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 2 ước đạt gần 288 triệu USD, giảm đến 41,5% so với tháng 1/2024. (Ảnh minh họa)

Bất ngờ khi xuất khẩu rau quả tháng 2 giảm mạnh

Báo cáo nhanh của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 2 ước đạt gần 288 triệu USD, giảm đến 41,5% so với tháng 1 và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả khá bất ngờ khi trong tháng 1.2024, xuất khẩu rau quả đạt tới 490 triệu USD, tăng trên 90% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 778 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải thích về tình trạng giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit nói: Tháng 2 năm nay rơi vào dịp tết cổ truyền của cả Việt Nam và Trung Quốc. Giai đoạn nghỉ tết kéo dài đúng vào giữa tháng nên đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Năm ngoái, tết nằm trong tháng 1. Về tổng thể, xuất khẩu cả 2 tháng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng rất tốt với con số 38%. Nhiều khả năng, trong tháng 3 thị trường sẽ hoạt động bình thường trở lại chứ không có nhiều đột biến như 2 tháng vừa qua.

Hiện tại, Trung Quốc đang trải qua mùa đông với nhiều đợt lạnh sâu, đặc biệt ở các tỉnh phía bắc nhiệt độ giảm mạnh. Giới chức nước này phải đưa ra các cảnh báo ở mức cao nhất về độ lạnh. Theo ông Nguyên, trong điều kiện thời tiết như vậy, Trung Quốc sẽ tăng nhập các loại trái cây như: chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng… nhưng sẽ giảm nhập dưa hấu.

xuat-khau-rau-qua-06-1708746286.jpg
Sầu riêng vẫn giữ thế thượng phong khi Việt Nam "một mình một chợ" trên thị trường xuất khẩu.(Ảnh minh họa)

Đối với mặt hàng sầu riêng xuất khẩu vẫn đang rất tốt do vụ nghịch và sầu riêng Việt Nam vẫn "một mình một chợ". Tại các tỉnh miền Tây, giá sầu riêng Ri6 mua xô từ 125.000 0 140.000 đồng/kg, sầu riêng Thái từ 175.000 - 180.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn cho biết, sản lượng thu hoạch sẽ tăng vào giai đoạn nửa cuối tháng 3.

Nhiều nhà vườn trồng thanh long ở miền Tây cho biết, hiện tại giá thanh long ruột đỏ xuất khẩu vẫn khá tốt, hàng loại 1 mức 32.000 đồng/kg, loại 2 là 28.000 đồng/kg và loại 3 là 22 đồng/kg. Tuy nhiên, tiêu chuẩn thu mua rất khắt khe, hàng loại 1 phải có trọng lượng từ 460gr trở lên. Chính vì vậy, số lượng thanh long bị rớt hạng khá nhiều dẫn đến ảnh hưởng thu nhập. Do thị trường này thời gian quan khá bấp bênh nên nhiều chủ vườn sau khi thu hoạch xong cũng không dám xông đèn cho vụ tiếp theo.

Thời tiết lạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu chuối của Việt Nam nhưng đang dần khởi sắc, giá tăng trở lại. Nhiều nhà vườn ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ cho biết, giá chuối đã tăng nhẹ từ 200 - 500 đồng/kg so với tháng 1. Chuối loại tốt hiện có giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, phổ biến quanh mốc 5.000 đồng/kg.

Nhiều dư địa để rau quả bứt tốc xuất khẩu trong năm 2024

Dự báo, trong tháng 3 thị trường sẽ hoạt động bình thường trở lại chứ không có nhiều đột biến như 2 tháng. Thực tế, đã có những lô hàng xuất khẩu ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024. Trong đó, có thể kể đến như lô vú sữa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ; thanh long sang Trung Quốc... Mới đây nhất, là lô xoài hạt lép đầu tiên xuất sang thị trường Hàn Quốc.

Về triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, dù dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn nhưng ngành hàng rau quả lại có nhiều dư địa để hướng tới kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD.

Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao sẽ thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc…

xuat-khau-rau-qua-05-1708746249.jpg
Nhiều loại nông sản sẽ có cơ hội bứt phá xuất khẩu trong năm 2024. (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng chiến lược của nước ta. Trong đó, sầu riêng được đánh giá là thế mạnh, khi có đến 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, để đón đầu cho các sản phẩm sẽ được ký Nghị định thư như chanh dây, dừa và sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, dư địa cho ngành hàng rau quả là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần bảo đảm về chất lượng, tiêu chuẩn, đồng thời chủ động khai thác thị trường. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đang thực thi. Nhờ đó, xuất khẩu ngành hàng này có lợi thế nhờ ưu đãi thuế quan, nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Năm 2024, xuất khẩu nhiều nhóm hàng nông sản tiếp tục khởi sắc nhờ năng lực sản xuất, chế biến và cung ứng của nước ta ngày càng cải thiện. Nông sản Việt đã có mặt ở thị trường 190 quốc gia, vùng lãnh thổ; nhưng với thị trường lớn, thị phần còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, đến nay, nông sản Việt mới chiếm 5% trong tổng sản lượng nông sản nhập khẩu của đất nước trên 1,4 tỷ dân này. Hay tại Mỹ, EU, Nhật Bản..., rau quả còn nhiều dư địa tăng trưởng”, ông Nguyên phân tích.

Để chủ động tạo nguồn hàng ổn định, bảo đảm chất lượng, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã hình thành các vùng trồng...

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp rà soát các vùng trồng đạt chuẩn để cấp mã vùng, đồng thời quản lý chặt chẽ các vùng đã được cấp mã để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường nhập khẩu./.

Bình Nguyên