Bất ngờ khi nông dân lãi gần 700 triệu đồng mỗi ha trồng lúa

Năm 2023 ngành sản xuất lúa gạo phất lên bởi giá lập kỷ lục lịch sử khi đạt đỉnh 663 USD/tấn. Đặc biệt, có những địa phương người nông dân còn nuôi thêm con đặc sản thu về gần 700 triệu đồng/ha.
trong-lua-nuoi-con-dac-san-1-1703823617.jpg
Hội thi gặt lúa hữu cơ được tổ chức tại huyện Tứ Kỳ.

Thu nhập cao gấp 10 lần nhờ có thêm con đặc sản

Năm 2023, xuất khẩu gạo lập kỷ lục lịch sử, giá lúa cũng đạt đỉnh 663 USD/tấn. Ở các tỉnh phía Bắc, 1 ha lúa cho lợi nhuận khoảng 37 triệu đồng/2 vụ. Còn ở ĐBSCL, người nông dân có thể lãi 2.000-2.500 USD/ha lúa.

Không chỉ bội thu nhờ giá lúa gạo tăng, tại nhiều địa phương người dân đã biết kết hợp trồng lúa với nuôi con đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra nông sản sạch giúp nông dân hưởng lợi kép.

Ở miền Bắc, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) nối tiếng với mô hình trồng lúa - nuôi rươi. Đây là mô hình nông nghiệp thuận thiên điển hình được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao.

Là người rất quan tâm tới phương thức canh tác lúa - rươi tại huyện Tứ Kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan coi đây là dẫn chứng sinh động về sự gia tăng giá trị nhờ sản xuất xanh và bền vững. Ông dẫn chứng: Tại đây, ngày trước trồng lúa đơn thuần nông dân chỉ thu 30-50 triệu đồng/ha. Giờ làm lúa - rươi – cáy, bà con Tứ Kỳ thu 500 triệu đồng mỗi ha, cao gấp khoảng 10 lần thu nhập trồng lúa ở ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng, con rươi, con cáy phải sống trong môi trường sạch không hoá chất. Có rươi, có cáy tức bà con có hạt gạo siêu sạch. Đây là cách đa gia trị cho cây lúa, chứng minh thương hiệu gạo rươi khác với hạt gạo trên thị trường. Đặc biệt, khi người nông dân kể được câu chuyện sản xuất gắn với văn hóa, lịch sử của vùng đất tới người tiêu dùng thì hạt gạo không còn là hạt gạo, tôi bán hạt gạo và bán luôn văn hoá cảm xúc ở trong đó.

Trên thị trường, các sản phẩm gạo rươi (gạo ruộng rươi) có giá dao động từ 40.000-85.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với các loại gạo khác trên thị trường. Trong khi đó, con rươi đặc sản có giá 400.000–700.000 đồng/kg tùy thời điểm.

trong-lua-nuoi-con-dac-san-2-1703823668.jpg
Ở Tứ Kỳ, có những vùng trồng lúa, người nông dân bắt rươi đem bán thu vài trăm triệu đồng 1ha.

Ông Phạm Văn Soi ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) đã trồng lúa trên bãi rươi từ nhiều năm nay. Gia đình ông có hơn 1,6 mẫu ruộng, trồng lúa chỉ lấy gạo ăn và tạo mùn để cho rươi và cáy phát triển. Còn thu nhập chính đến từ con rươi đặc sản và con cáy.

Theo ông, con rươi là sinh vật đặc biệt nhạy cảm với các loại hóa chất, nó chỉ sống được với đất và nước sạch. Vì vậy, người dân ở đây trồng lúa đều không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Lúa và rươi cộng sinh trong một môi trường sống, lúa mang lại môi trường thích hợp cho rươi sinh trưởng.

Năm ngoái, từ ruộng lúa rươi, gia đình ông Soi thu được trên 300 triệu đồng. Những hộ dân khác có lúa ruộng rươi cũng thu được từ vài trăm triệu cho tới cả tỷ đồng từ tiền bán rươi, bán lúa.

Nở rộ phong trào trồng lúa hữu cơ

Huyện Tứ Kỳ hiện có 257ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên. Theo đó, các sản phẩm gạo bãi rươi, rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi, niêu rươi được xếp hạng OCOP từ 3-4 sao. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với nhiều tầng khai thác.

Nhờ vị trí thuận lợi, có vị trí địa lý giáp với cửa biển Thái Bình và Văn Úc của TP. Hải Phòng, có môi trường nước lợ, độ mặn 0,3-0,5%, huyện Tứ Kỳ có vùng đất bãi ngoài đê sông Thái Bình, sông Luộc màu mỡ, phù hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy đặc sản.

Hải Dương đã quy hoạch 257ha đất ruộng này tại các xã Bình Lãng, Chí Minh, An Thanh, Cộng Lạc, Quang Trung, Nguyên Giáp, Hà Thanh để nuôi rươi và trồng lúa.

Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm thu được là khoảng 2.300 tấn (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400-450 triệu đồng/ha/năm.

Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, cho biết, hiện địa phương có 3 sản phẩm nông nghiệp là Gạo bãi rươi, Rươi cấp đông, Cáy cấp đông, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, Chả rươi và Rươi niêu tiếp tục được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

trong-lua-nuoi-con-dac-san-4-1703823716.jpg
Mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa tại xã An Thanh cho lợi nhuận gần 700 triệu đồng/ha.

Năm 2023, dự án "Xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" được triển khai tại xã An Thanh (Tứ Kỳ) có 3 hộ tham gia với quy mô 10 ha. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ các hộ 10 triệu con rươi giống và 500kg chế phẩm vi sinh ZEO BACILLUS.

Trung tâm lựa chọn Công ty TNHH Đặc sản rươi cáy Hà Tiến ở thôn An Định, xã An Thanh là đơn vị tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia dự án; lựa chọn giống lúa ST25 trồng trong mô hình và đối chứng với giống lúa hom.

Qua triển khai mô hình tại Hải Dương cho thấy, năng suất lúa và rươi đều cao hơn so với mô hình không bổ sung rươi giống, vi sinh. Cụ thể, sản lượng rươi đạt 1.940 kg/ha; năng suất lúa đạt gần 5 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, thu lãi từ mô hình hơn 618 triệu đồng/ha, cao hơn 89 triệu đồng so với mô hình đối chứng.

Mô hình còn mang lại những lợi ích về môi trường, góp phần bảo tồn nguồn gen rươi giống, tạo đa dạng sinh học, tăng hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước cửa sông, từ đó tăng hiệu quả kinh tế...

Xã An Thanh đã có 150ha khai thác rươi cáy kết hợp trồng lúa hữu cơ ở 2 thôn An Định và Thanh Kỳ. UBND huyện Tứ Kỳ cũng đã phê duyệt Đề án Mở rộng vùng sản xuất lúa khai thác rươi, cáy 214ha phía trong đê thuộc xã An Thanh vào năm 2025.

Từ hiệu quả của mô hình trồng lúa nuôi rươi, cáy, UBND huyện Tứ Kỳ sẽ có định hướng phát triển phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản xuất./.

Trọng Đạt