Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ “đòn bẩy” hạ tầng

Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, những nút thắt về giao thông qua miền Trung và cả nước đã dần tháo gỡ, tạo đà cho nhiều thành phần kinh tế phát triển; trong đó có bất động sản.
8-4-12-1633045053.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mỗi địa phương sẽ có điều kiện phát triển và tiềm năng bứt phá của bất động sản khác nhau. Làm thế nào để nhận diện cơ hội này đã được giải đáp trong tọa đàm "Hạ tầng tạo sức bật cho bất động sản miền Trung cất cánh" do VnExpress và TNR Holdings Vietnam đồng tổ chức ngày 30/9 theo hình thức trực tuyến.

Các chuyên gia nhận định, nhờ hạ tầng đầu tư đồng bộ, bất động sản miền Trung được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng, thu hút dòng vốn đầu tư lớn. Khu vực này được ví như chiếc “đòn gánh” nối liền hai miền Bắc Nam, là "mạch máu" quan trọng trên trục giao thông xuyên quốc gia. Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, những nút thắt về giao thông qua miền Trung và cả nước đã dần tháo gỡ, tạo đà cho nhiều thành phần kinh tế phát triển; trong đó có bất động sản.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam nhận xét, thời gian qua Chính phủ đã có những quyết sách quyết liệt để dồn nguồn lực phát triển hạ tầng của Việt Nam; trong đó, có khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Đây chính là vùng đất đặc biệt, trải dài theo chiều dài đất nước, phong phú về diện tích, cảnh quan với nhiều bãi biển đẹp, cảng nước sâu... đem lại lợi thế về phát triển các dự án bất động sản đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu kinh tế, công nghiệp... Việc kết nối thuận lợi thông qua hệ thống hạ tầng chính là đáp án cho bài toán đầu tư hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng – ông Chính dẫn chứng.

Tại miền Trung, những ngọn đèo hiểm trở dần được chinh phục, tạo nên dấu ấn hạ tầng giao thông như: hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ đèo Cù Mông... Cùng đó là những công trình hầm được kết nối đồng bộ với các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến ven biển, cao tốc Bắc - Nam đang được đầu tư xây dựng... tiếp tục mở ra cho miền Trung nhiều cơ hội liên kết, giao thương và gắn kết kinh tế.

Về các tuyến đường bộ, bên cạnh Quốc lộ 1 hiện hữu, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên kết Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của Đà Nẵng; tuyến cao tốc La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) cũng chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, miền Trung có các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các dự án này đang được đẩy mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành 11 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vào năm 2023.

Ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công và đã được khởi công xây dựng. Các tỉnh miền Trung cũng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc huyết mạch - dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650km.

Hàng không tại khu vực này cũng phát triển nhanh chóng với sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) quy hoạch thành sân bay quốc tế. Nghệ An sở hữu sân bay quốc tế Vinh, Quảng Bình có sân bay Đồng Hới, Thừa Thiên - Huế có sân bay Phú Bài... Tương tự, khu vực Nam Trung bộ (tính từ Đà Nẵng đến Phú Yên) đã hình thành mạng lưới sân bay tại 8 địa phương gồm: sân bay Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa)... Khu vực Tây Nguyên cũng có ba sân bay gồm: Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Liên Khương (Lâm Đồng).

Với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc được đẩy mạnh đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung sẽ là khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất cả nước. trở thành động lực cho phát triển bất động sản – ông Chính phân tích.

Đánh giá về triển vọng của miền Trung, Tiến sỹ Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những thông tin tích cực từ việc hoàn thiện hạ tầng giao thông cùng định hướng chú trọng là hình thành và phát triển các trung tâm du lịch biển, nghỉ dưỡng, lịch sử, các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù... đang khiến khu vực miền Trung - Tây Nguyên thu hút các nhà đầu tư đến đánh thức tiềm năng.

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, quy hoạch và nguồn lực là những yếu tố rất quan trọng. Mặc dù thời gian qua có không ít thách thức, khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư cho khu vực này, nhưng rõ ràng sự phát triển thực tế đã tạo được điểm nhấn cho khu vực miền Trung khoảng 7 năm trở lại đây và đà này vẫn tiếp tục tịnh tiến. Nỗ lực của Chính phủ rất lớn và quyết liệt khi tập trung dồn nguồn lực và quy hoạch phát triển khu vực này, góp phần tạo sức bật cho thị trường bất động sản miền Trung bứt phá, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

Dự báo về xu thế phát triển của khu vực miền Trung trong tương lai, Tiến sỹ Võ Trí Thành phân tích, nhìn vào tổng thể thì khi phát triển kinh tế, đô thị đã tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống tại khu vực này. Quan trọng là cần một sự kết nối tốt, thuận lợi trong dịch chuyển để có thể tiếp nhận, phát huy được tiềm năng gắn với lợi tế từ cảnh quan, môi trường, lịch sử...

Cùng với thể chế, hạ tầng chính là nền tảng kiên quyết và quan trọng. Các nhà đầu tư cần chú ý 4 nhân tố khi tham gia đầu tư bất động sản. Đầu tiên chính là sự kết nối của các yếu tố đang tồn tại và tương lai; tiếp đến là sự vào cuộc, quản lý của chính quyền địa phương trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển dự án.

Thêm một yếu tố rất quan trọng là sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện của các “đại bàng” thì nhà đầu tư cũng nên cảnh giác trước việc “thổi giá” của một số đối tượng nhằm trục lợi trên thị trường bất động sản.

Một yếu tố mà chuyên gia này nhắc đến chính là tiềm năng và kết quả phát triển kinh tế xã hội của các vùng đất. Ngoài ra, các nhà đầu tư cần bám sát vào các văn bản chính sách, quy hoạch để tránh mắc sai lầm đáng tiếc.

Tại thị trường khu vực miền Trung, Đà Nẵng được vinh danh như một điểm sáng cho bất động sản nhờ chính quyền địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phát triển. Với nhiều tiềm năng, Đà Nẵng được các nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn. Tương tự, tại Nha Trang - Khánh Hòa, những dự án nằm tại các khu vực có quy hoạch phát triển, tiềm năng cao đã được đầu tư hạ tầng cơ bản cũng được khách hàng và các nhà đầu tư quan tâm như đất nền khu tây Nam và Bắc TP Nha Trang, khu vực Bắc Vân Phong, Cam Lâm...

Trong khi đó, với nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hóa cộng đồng, đi kèm theo đó là quỹ đất dồi dào, giá đất rẻ, khả năng sinh lời cao..., bất động sản Tây Nguyên đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Thị trường xuất hiện hàng loạt các dự án khu đô thị lớn, đánh trúng thị hiếu của người mua.

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, dòng bất động sản cao cấp, đi kèm nhiều tiện ích luôn trong tình trạng đắt khách. Tỷ lệ hấp thụ của các dự án này đạt khoảng 70 - 80%.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Bất động sản nghỉ dưỡng, TNR Holdings Vietnam cho rằng, cả một quãng thời gian dài trước đây, bất động sản tại khu vục đô thị gia tăng. Nhưng thời gian qua, dòng tiền đầu tư đang có sự dịch chuyền về đô thị vùng ven do giá đất khu vực nội thành đã ở mức cao và quỹ đất ngày càng khan hiếm.

Cùng đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng thu hút người dân, nhà đầu tư ra khu vực xa nội đô hơn. Đặc biệt, một số địa phương có tiềm năng phát triển mới như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... với con số thu hút FDI gia tăng, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiên, có lợi thế về cảng biển... đang được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng.

Thời gian tới, đô thị hóa tại miền Trung sẽ phát triển theo hướng đa cực, theo chuỗi và gắn kết với nhau qua hệ thống giao thông để đảm bảo giữ được đặc thù riêng, nhưng vẫn tận dụng tối đa được nguồn lực của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội./.

Thu Hằng