Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến. Trong đó, nội dung đáng chú ý là đề xuất ban hành Luật thuế bất động sản.
Qua nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Theo cơ quan soạn thảo, chính sách hiện chưa quy định về thuế nhà (nhà, công trình xây dựng) trong khi quá trình đô thị hóa đã tạo ra sự gia tăng đáng kể về giá trị bất động sản, trong đó có nhà. Hiện nay, nhiều quốc gia bên cạnh việc thu thuế đất, cũng nỗ lực điều tiết một phần giá trị tăng thêm từ nhà mà chủ sở hữu được hưởng.
Cơ quan quản lý đề nghị tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản đảm bảo đơn giản, dễ tính toán, dễ thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần để đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn, điều tiết thấp đối với nhà, đất có giá trị không lớn, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư.
Đối với đất (bao gồm đất ở riêng lẻ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác thuộc đối tượng chịu thuế), cơ quan quản lý đề nghị nâng mức thuế suất so với hiện tại.
Công thức tính thuế là giá của 1m2 (giá 1m2 đất trong bảng giá đất x hệ số điều chỉnh do UBND cấp tỉnh ban hành) nhân với toàn bộ diện tích đất ở.
Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu xây dựng chính sách thuế bất động sản, cần thiết nghiên cứu mức thuế suất thuế bất động sản đối với đất ở phù hợp.
Đối với nhà ở (loại trừ nhà chung cư và đất xây dựng nhà chung cư), công thức tính thuế là diện tích nhà tính thuế nhân với giá của 1m2 nhà tính thuế. Đối với loại nhà ở có mức đầu tư thấp như nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà bán kiên cố..., sẽ không áp dụng đánh thuế, tránh gây gánh nặng lên người có hoàn cảnh khó khăn hoặc nhà chất lượng thấp...
Riêng với nhà chung cư (bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư), giá tính thuế (gồm cả chung cư hỗn hợp) là giá theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà hoặc theo Bảng giá của UBND cấp tỉnh ban hành.
Theo cơ quan quản lý, nhà ở được xem là một khoản đầu tư vào đất. Trên thực tế, nhà nước khuyến khích việc xây dựng nhà ở và công trình xây dựng, tránh để đất bỏ hoang, không tận dụng hết giá trị sử dụng của đất.
Cơ quan soạn thảo chưa đề cập cụ thể về cách xác định giá m2 nhà tính thuế. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, nếu tách riêng nhà và đất để đánh thuế, thông thường giá trị được xác định trên giá thị trường của đất hoặc giá trị đất bóc tách ra từ giá bán cả nhà và đất.
Ngoài nhà ở, Bộ Tư pháp còn đề nghị đánh thuế với nhà chung cư trên ngưỡng chịu thuế. Nguyên tắc áp thuế mức rất thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân. Riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế.
Còn đối với căn hộ cao cấp có giá trên 50 triệu đồng/m2, mức thuế sẽ cao nhằm góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Giá tính thuế với nhà chung cư là giá theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà hoặc giá theo bảng giá của UBND cấp tỉnh ban hành. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ áp thuế suất cao hơn với nhà, đất lấn chiếm; bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích.