TP.HCM: Tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 16% trong năm 2022

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã tăng tới 16% trong năm 2022. Trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu hay cổ phiếu đang gặp khó, tín dụng đang giữ vai trò cung ứng vốn quan trọng cho lĩnh vực bất động sản.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trên địa bàn TP.HCM cao hơn tăng trưởng tín dụng chung. Cụ thể, năm 2022, tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt 16%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung đạt hơn 13,8%.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, hiện dư nợ bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ trên địa bàn, với quy mô 3,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay với mục đích tiêu dùng, tức là mua để ở hoặc sửa chữa nhà cửa chiếm tới 70% dư nợ bất động sản.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN, trong đó NHNN giao cho NHNN TP.HCM với 22 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có tín dụng bất động sản để hỗ trợ thị trường, cũng như đẩy mạnh gói tín dụng hỗ trợ 2% cho doanh nghiệp.

Với nhiệm vụ của NHNN giao xuống các tổ chức tín dụng, bên cạnh giải pháp hỗ trợ tín dụng bất động sản, các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, đảm bảo rủi ro chất lượng tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nhất là đối với thị trường bất động sản.

tphcm-nhin-tu-tren-cao-1675786081.jpg

Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, không chỉ với ngân hàng, mà với doanh nghiệp bất động sản cũng phải tái cơ cấu, tuân thủ các quy định, điều kiện tín dụng, nhằm đảm bảo rủi ro trong hoạt động tín dụng, rủi ro nợ xấu. Với chủ trương của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay đối với nhà ở xã hội, cho cá nhân vay vốn mua nhà để ở.

Đồng thời, đối với tín dụng bất động sản bản chất là vốn dài hạn, do đó với mức tăng trưởng tín dụng bất động sản cũng như phân theo cơ cấu tín dụng bất động sản thì ngành ngân hàng cũng đang phải nỗ lực để hỗ trợ thị trường cũng như doanh nghiệp khi các kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, để hỗ trợ thị trường cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực này, theo ông Lệnh, bên cạnh việc hỗ trợ tín dụng thì cần khơi thông lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường vốn.

Được biết, ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản nhằm tháo gỡ các vấn đề về tiếp cận vốn, giá vốn và gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Thi Nguyên (t/h)