Bão số 3 làm chết 400.000 gia súc, gia cầm, tỉnh Quảng Ninh tích cực khắc phục thiệt hại và hỗ trợ tái đàn

Tại Quảng Ninh, bão số 3 gây thiệt hại rất lớn với trên 400.000 gia súc, gia cầm bị chết. Nhiều trang trại tốc mái đổ tường, một số chuồng nuôi bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện ngành chăn nuôi địa phương cùng người dân đang tích cực vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiêu độc, chăm sóc đàn vật nuôi còn lại và lên kế hoạch tái đàn.
quang-ninh-khac-phuc-thiet-hai-chan-noi-sau-bao-1-1728199188.jpg
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã đi kiểm tra tại các địa phương để đánh giá thiệt hại, hướng dẫn các hộ chăn nuôi dọn dẹp vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiểu độc, chăm sóc đàn gia cầm sau bão. (Ảnh: VOV)

Từ sau bão đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Quảng Ninh) đã đi kiểm tra tại các địa phương để đánh giá thiệt hại, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiêu độc, chăm sóc đàn vật nuôi còn lại.

Sau bão số 3, hàng ngàn hộ chăn nuôi gia súc gia cầm tại tỉnh Quảng Ninh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh việc khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, ngành nông nghiệp địa phương cũng tập trung hỗ trợ về chuyên môn để người chăn nuôi yên tâm tái đàn, sớm ổn định sản xuất.

Thống kê sơ bộ, đến nay, bão số 3 đã khiến ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh thiệt hại rất lớn với trên 400.000 gia súc, gia cầm bị chết. Các địa phương bị thiệt hại nhiều là Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí, Tiên Yên... Cơn bão khiến nhiều trang trại tốc mái đổ tường, một số chuồng nuôi bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện các hộ chăn nuôi, HTX, DN đang khẩn trương khôi phục chuồng trại, chăm sóc gia súc, gia cầm còn lại sau bão.

quang-ninh-khac-phuc-thiet-hai-chan-noi-sau-bao-3-1728199252.jpg
Hộ chăn nuôi bị thiệt hại sau bão ở Quảng Ninh đang sửa chữa chuồng trại để chuẩn bị tái đàn vật nuôi. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Thiệt hại khá lớn do ảnh hưởng bão số 3 nhưng không thuộc diện được hỗ trợ khắc phục, ông Trần Hòa - chủ trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gia súc, gia cầm tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, trước mắt sẽ xuất bán một số vật nuôi gần đến hoặc đến tuổi có thể sử dụng sản phẩm.

“Trang trại đang thực hiện gia cố lại chuồng trại, như dùng cây chống lại các mái trần, căng bạt chuồng, chăm sóc công tác thú ý để ổn định làm sao giữ được vật nuôi. Sau bão trang trại cũng đã tiến hành khử khuẩn, sát trùng, nâng cao kháng thể cho vật nuôi để tăng sức đề kháng tốt hơn nhằm phòng chống dịch bệnh”, ông Hòa nói.

TX Quảng Yên là địa phương có đàn gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng thứ 2 trong tổng số 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua. Trong đó, phường Đông Mai bị thiệt hại về lĩnh vực chăn nuôi lớn nhất với 32.143 con và có đến 93% vật nuôi bị thiệt hại là gia cầm. Các hộ chăn nuôi phần lớn đều bị tốc mái chuồng trại, gia súc, gia cầm bị ngập nước, bị cuốn trôi.

Anh Đoàn Văn Mạnh, khu Biểu Nghi, phường Đông Mai, chia sẻ: Sau bão, khu chăn nuôi của gia đình tôi chỉ còn lại 900 con gà lai chọi loại 30 ngày tuổi và 70 ngày tuổi. Số gà bị thiệt hại là hơn 1.000 con và toàn bộ chuồng trại đều bị phá hủy hết.

Anh Mạnh cho biết, dù xót của, nhưng không thể bỏ bê được mà phải khẩn trương dọn dẹp, khôi phục lại chuồng trại để chăn nuôi tiếp. Vì vậy, ngay khi gió ngừng, mưa tạnh tôi bắt tay ngay vào dọn dẹp, rồi khôi phục lại chuồng trại. Đến nay, anh đã hoàn thành 8/10 chuồng nuôi và đã vào đàn được 1.500 con gà ri mới để tranh thủ bán dịp Tết Nguyên đán. 

quang-ninh-khac-phuc-thiet-hai-chan-noi-sau-bao-02-1728199352.jpg
Anh Đoàn Văn Mạnh, khu Biểu Nghi, phường Đông Mai, TX Quảng Yên vừa đầu tư thêm 1.500 con gà ri để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Theo báo cáo, đàn vật nuôi của TX Quảng Yên có tổng số hơn 280.000 con. Trong đó, số vật nuôi bị thiệt hại vừa qua chiếm 26% tổng đàn gia súc, gia cầm của thị xã. Để khẩn trương khôi phục sản xuất, bù đắp lại số gia súc, gia cầm bị thiệt hại, thị xã đã chỉ đạo các các xã, phường hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng và đăng ký các nhu cầu về hóa chất cũng như vắc-xin để phục vụ cho công tác khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh.

Cùng với đó, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường khẩn trương thống kê xác minh thiệt hại. Đến nay, đã có 11/19 phường, xã rà soát xong và thành lập được Hội đồng thẩm định hồ sơ hỗ trợ thiệt hại; thành lập tổ giúp việc để tổng hợp báo cáo, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, qua đó khẩn trương giải ngân hỗ trợ cho các hộ dân.

Ngay sau bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã đi kiểm tra tại các địa phương để đánh giá thiệt hại, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiêu độc, chăm sóc đàn vật nuôi còn lại. Cơ quan chuyên môn đặc biệt lưu ý người dân khi cải tạo sửa chữa chuồng trại, sau 15 ngày vệ sinh để trống chuồng thì mới tái đàn; chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, bám sát lịch tiêm phòng, quản lý theo dõi, kê khai, khai báo theo đúng quy định…

quang-ninh-khac-phuc-thiet-hai-chan-noi-sau-bao-5-1728199423.jpg
Các hộ chăn nuôi bị thiệt hại sau bão đã khôi phục sản xuất trở lại. (Ảnh: baoquangninh)

Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết, đơn vị cũng khẩn trương tổng hợp, báo cáo những nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương, nhất là về chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi sớm có kinh phí ổn định sản xuất trở lại.

“Với một số thiệt hại của người dân cũng như đối tượng vật nuôi chưa có trong cơ chế chính sách của tỉnh hay Trung ương, đơn vị cũng tổng hợp, báo cáo, đề xuất để xem xét bổ sung đối tượng để có thể được nhận hỗ trợ. Theo nhận định, dù có thiệt hại nhưng các địa phương đều nhanh chóng hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, tái đàn trở lại với hướng dẫn được tuân thủ. Như vậy cũng đảm bảo kịch bản tăng trưởng với chỉ tiêu giao từ đầu năm, đồng thời khẳng định với nhu cầu thực phẩm cho dịp cuối năm và dịp Tết sẽ không có gì khó khăn đối với tỉnh Quảng Ninh”, bà Thủy cho biết.

quang-ninh-khac-phuc-thiet-hai-chan-noi-sau-bao-4-1728199485.jpg
Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng sau bão để vào đàn nuôi mới được các hộ chăn nuôi chú trọng.(Ảnh: baoquangninh)

Từ nay đến Tết Nguyên đán còn hơn 4 tháng nữa cũng đủ một chu kỳ chăn nuôi ngắn ngày đối với gia cầm và lợn, ngành Nông nghiệp khuyến khích và hỗ trợ bằng mọi cách để các cơ sở, hộ chăn nuôi sau khi đã vệ sinh môi trường sạch sẽ, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất bình thường; tuyệt đối không tái đàn khi chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Hậu quả mà bão, hoàn lưu sau bão để lại là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp, người dân và ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ những thiệt hại, mất mát có thể thấy việc tái thiết không chỉ dừng lại ở khôi phục sản xuất, mà ngành nông nghiệp, các địa phương cần định hướng, hỗ trợ để người dân tăng cường áp dụng các biện pháp KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là xây dựng các phương án phòng ngừa thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm sinh kế cho người dân trong những điều kiện khó khăn như sau cơn bão số 3 Yagi vừa qua./.

Bình Châu