Quan ngại tình trạng nhựa tích tụ nhiều trong đất nông nghiệp

Hiện nay, nhựa được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, từ hạt giống được bọc nhựa đến màng bọc bảo vệ được sử dụng để điều chỉnh nhiệt độ đất, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại. Những vật liệu tổng hợp này còn có mặt trong phân bón sử dụng chất rắn sinh học trên các cánh đồng, đồng thời, có mặt trong các ống tưới, bao tải và chai lọ...

Mới đây, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vừa công bố một báo cáo cho thấy, nhựa được sử dụng trong các hoạt động trồng trọt đang tích tụ trong đất nông nghiệp trên toàn thế giới ở mức báo động.

Cụ thể, báo cáo cảnh báo, mặc dù, tất cả các sản phẩm này đã giúp tăng năng suất cây trồng, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, nhựa phân hủy đang làm ô nhiễm đất và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sức khỏe của đất.

Bên cạnh đó, hạt vi nhựa, chẳng hạn như chất được sử dụng trong một số loại phân bón cũng đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi chúng được chuyển tiếp thông qua chuỗi thức ăn.

chau-1666771992.jpg
Báo động nhựa đang tích tụ nhiều trong đất nông nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)

Theo Giáo sư Elaine Baker từ Đại học Sydney (Australia), việc tích tụ nhựa có thể có những tác động trên diện rộng đối với sức khỏe của đất, đa dạng sinh học và năng suất, trong khi tất cả những yếu tố này đều rất quan trọng đối với an ninh lương thực.

Các chuyên gia của UNEP giải thích, theo thời gian, các mảnh nhựa lớn có thể vỡ thành các mảnh dài dưới 5mm và thấm vào đất. Những hạt vi nhựa này có thể thay đổi cấu trúc vật lý của đất và hạn chế khả năng giữ nước của nó. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến thực vật bằng cách làm giảm sự phát triển của rễ và sự hấp thụ chất dinh dưỡng.

Mặc dù, một số quốc gia đã cấm hạt rỗng microspheres, nhưng các hạt vi nhựa khác vẫn tiếp tục xâm nhập vào hệ thống nước thông qua đầu lọc thuốc lá bỏ đi, các thành phần lốp xe và sợi quần áo tổng hợp.

Bà Baker cho rằng, không có giải pháp nào là hữu hiệu tuyệt đối, bởi nhựa không đắt và dễ sử dụng, khiến việc giới thiệu và bán các sản phẩm thay thế rất khó khăn. Bà khuyến nghị các chính phủ không khuyến khích việc sử dụng nhựa trong nông nghiệp.

Cũng theo chuyên gia Thava Palanisami, thuộc Đại học Newcastle ở Australia, thuộc nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Chúng ta cũng không biết rõ về tác động của việc ăn các hạt nhựa siêu nhỏ và hạt nhựa có kích thước nano này đến sức khỏe của chúng ta. Tất cả những gì có thể biết là chúng ta đang ăn nó và nó có khả năng gây độc tính. Đó chắc chắn là một điều đáng lo ngại và báo động”.

Sản xuất nhựa đã tăng mạnh trong 50 năm qua, dẫn đến việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm nhựa dùng một lần giá rẻ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm ô nhiễm các bãi biển và nghẹt thở động vật hoang dã biển. Nhựa không phân hủy sinh học. Thay vào đó, nó vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, và cuối cùng kết thúc ở mọi nơi, kể cả trong chuỗi thức ăn.

Thiết nghĩ, để có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nhựa ở Việt Nam một cách hiệu quả trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực thi, tuân thủ chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải nhựa, vi nhựa và sản xuất các nguyên liệu nhựa sinh học, sản phẩm thân thiện với môi trường; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa  và nhựa vào môi trường.

Hoàng Hà (t/h)